Giáo dục - Học Đường

Sinh viên đi thực tế: Hiệu quả ít, tốn kém nhiều

Thứ Sáu, 11/05/2012 | 19:54

Do không có điều kiện tổ chức cho sinh viên (SV) đi thực tập, kiến tập dài ngày, nhiều trường đã thay thế bằng những chuyến đi thực tế ngắn ngủi để giúp SV trải nghiệm kiến thức đã học và cũng để làm bài thu hoạch lấy điểm cho môn thực tập. Đây là một ý tưởng tốt, song, khi thực hiện thì lại có nhiều điều đáng bàn.

Những chuyến đi thực tế tốn kém…

Mới đây, SV 2 lớp 3NV1 và 3NV2, trường Đại học Bạc Liêu vừa có chuyến đi thực tế ở 2 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk và Lâm Đồng trong một tuần. Mỗi SV phải đóng 1,3 triệu đồng, gồm các khoản tiền: ăn uống, ngủ nghỉ… Ngoài số tiền trên, mỗi người còn chuẩn bị một “hầu bao” kha khá bởi đi xa nhà có nhiều thứ để chi, nhiều cái phát sinh. L.T - một SV tham gia chuyến đi, cho biết: “Đợt đi thực tế này, tính ra em đã tiêu hao hết khoảng 3,5 triệu đồng vào việc ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi và mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu cá nhân…”.

Một chuyến đi thực tế của sinh viên trường Đại học Bạc Liêu. Ảnh: C.H

Nhắc đến những chuyến đi thực tế của mình, V.T, SV năm thứ 4 trường Đại học Bạc Liêu cho biết: “Thời gian qua, em đã tham gia 2 chuyến đi thực tế. Em đã cố gắng tiết kiệm tối đa, song mỗi chuyến đi em cũng tốn hơn 1 triệu đồng”.

Tương tự như vậy, theo M.P - SV năm thứ 3 trường Đại học Bạc Liêu: “Năm vừa rồi nhà trường có tổ chức đi thực tế 2 tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Mặc dù không phải mất tiền xe cộ, nhưng chuyến đi đã “ngốn” của em khoảng 3 triệu đồng. Các bạn đi chung với em cũng tiêu tốn ngần ấy”.

Trong quá trình đi thực tế, nhà trường chỉ bao tiền xăng xe cộ, còn lại tiền ăn, tiền ở… SV đều phải tự lo. Trong mỗi chuyến đi ấy có khoảng 50 - 100 bạn tham gia, mà mỗi bạn phải chi khoảng 3 - 4 triệu đồng, thì nhẩm tính tổng số tiền SV “đầu tư” cho mỗi lần “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một số tiền không nhỏ. Không chỉ vậy, theo các SV, được đi thực tế thì thích thật, tuy nhiên, vì phải chi khá nhiều tiền nên đối với những SV có hoàn cảnh khó khăn quả là một gánh nặng. Có những SV nghèo, để có tiền đi thực tế đã phải đi vay mượn người thân, bạn bè.

... Và chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa”

Hỏi tới “công dụng” của đợt đi thực tế, bên cạnh một số SV nhìn nhận đây là cơ hội để trải nghiệm thực tế, tìm kiếm được những kiến thức bổ ích, còn lại đa số đều cho rằng đó chỉ đơn thuần như một chuyến du lịch! Bởi, theo các bạn, những chuyến đi ấy diễn ra quá chóng vánh, ngắn ngủi trong vòng 5 - 7 ngày, chỉ đủ để “cưỡi ngựa xem hoa”, chứ không thể nào tích lũy kinh nghiệm thực tiễn được. Thành quả họ được có chăng chỉ là lấy vài ba số liệu, thu thập được vài thông tin để viết bài thu hoạch nộp cho nhà trường. Hơn nữa, ở một số chuyên ngành, nhà trường tổ chức cho đi thực tế ở những nơi không dính dáng gì với chuyên ngành sinh viên học. Trao đổi với chúng tôi, nhiều bạn vô tư trả lời “không thiết thực”.

Một điều đáng nói nữa là chuyện viết bài thu hoạch sau chuyến đi. Hầu hết các bài thu hoạch đó đều đạt điểm rất cao. Tuy nhiên, theo “bật mí” của một số SV, có những bạn đã tận dụng thời gian đi thực tế để vui chơi, chẳng chú tâm vào việc học hỏi. Sau khi trở về thì “bí mật” lên mạng tìm thông tin rồi “xào nấu” thành bài thu hoạch hoàn chỉnh để trả nợ cho nhà trường.

Trước thực trạng ấy, nhiều ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp, tổ chức đi thực tế là không cần thiết nếu như không có kế hoạch trước cho SV đi thực tế vào những vấn đề cụ thể nào. “Bởi vậy, trước khi quyết định tổ chức cho SV đi thực tế, nhà trường cần xem xét kỹ lưỡng” - bạn M.P chia sẻ suy nghĩ.

Không thể phủ nhận, những chuyến đi thực tế là những cuộc hành trình thú vị đối với các bạn SV. Thế nhưng, khi kiểm nghiệm lại thành quả thu được, mới thấy vẫn chưa xứng, chưa đủ so với kinh phí đã bỏ ra!

NGUYỄN PHƯƠNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.