Đưa sân khấu vào học đường: Cần sự quan tâm đúng mức

Thứ Tư, 03/10/2012 | 16:39

Thông qua các tuồng tích, trích đoạn cải lương hay các buổi ngoại khóa về văn học dân gian, các tiểu phẩm kịch nói được dàn dựng khá công phu… trong các chương trình văn nghệ, việc đưa sân khấu vào trường học đã được các trường thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mang tính phong trào chứ chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Khi HS-SV trở thành diễn viên không chuyên

Chương trình văn nghệ ở các trường thường tập trung đại trà vào các ngày lễ lớn trong năm hay các sự kiện trọng đại do trường tổ chức, khi ấy học sinh - sinh viên (HS-SV) lại hào hứng nhập cuộc, tích cực hòa mình vào những vai diễn mới. Ngoài các tiết mục văn nghệ theo kiểu sô-lô, đồng diễn ca múa thì nghệ thuật sân khấu cải lương, kịch nói, các hoạt cảnh được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Tùy theo khả năng hóa thân, tài ca diễn của các thành viên… mà mỗi đơn vị sẽ lựa chọn cho mình một loại hình sân khấu phù hợp để phát huy thế mạnh. Với lợi thế của Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử, SV trường Đại học Bạc Liêu thường chọn các trích đoạn cải lương của những soạn giả nổi tiếng, hay nhân vật lịch sử có tên tuổi để diễn. Bên cạnh đó, một số thành viên của CLB còn thể hiện niềm đam mê nghệ thuật sân khấu thông qua việc tự sáng tác kịch bản, rồi dàn dựng và đưa vào công diễn. Các kịch bản tự sáng tác này tuy hướng vào các chủ đề, chủ điểm của năm hay các ngày lễ lớn, các cuộc thi - những đề tài khá cứng nhắc, thế nhưng với cách diễn xuất tự nhiên, dí dỏm, “cháy” hết mình với nhân vật hóa thân…, các bạn trẻ trường Đại học Bạc Liêu đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng đẹp.

Hoạt cảnh “Dưới bóng tre” của đơn vị phường 1 - giải Nhất Liên hoan “Hoa phượng đỏ hè 2012”. Ảnh: K.C

Chọn sân khấu kịch nói, các hoạt cảnh làm thế mạnh để biểu diễn, HS-SV Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Bạc Liêu cũng phát huy được tối đa khả năng vốn có. Thông qua chương trình “Vui để học” thường niên, ngoài việc khắc sâu những kiến thức đã học, các bạn trẻ còn có cơ hội thỏa sức biểu diễn, sáng tạo kịch bản, nhân vật. Từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyện cười… đậm màu sắc dân gian, các bạn đã xây dựng nên nhiều kịch bản khá “kinh điển” như: “Tấm Cám”, “Thạch Sanh - Lý Thông”, “Đến chết vẫn hà tiện”… được Ban tổ chức và toàn trường đánh giá cao về phong cách biểu diễn tự tin, sống động. Anh Nguyễn Minh Ngọc - Bí thư Đoàn Trung tâm GDTX Bạc Liêu, cho biết: “Thông qua chương trình “Vui để học”, ngoài việc giúp học sinh khối bổ túc THPT khắc sâu kiến thức về văn học, chúng tôi cũng nhân cơ hội này mà tìm kiếm, phát hiện những tài năng về văn nghệ, sân khấu kịch để chăm bồi…”.

Với 10 năm kinh nghiệm trong việc tổ chức ngoại khóa về văn học dân gian, trường THPT Chuyên Bạc Liêu cũng kích thích khả năng sáng tạo, hóa thân của HS thông qua từng vai diễn. Đó là những kịch bản được các bạn dàn dựng lại từ những cốt truyện dân gian sẵn có như: “Cây tre trăm đốt”, “Sự tích chú Cuội cung trăng”, “Cóc kiện trời”… Ngoài việc tôn trọng nội dung văn bản, các bạn còn sáng tạo vài yếu tố gây cười để kích thích khán giả.

Những hoạt cảnh sân khấu, kịch nói còn được nhiều đơn vị chọn là tiết mục “đinh” trong các kỳ liên hoan, hội diễn trong tỉnh. Điển hình là Liên hoan “Hoa phượng đỏ hè 2012” do Thành đoàn Bạc Liêu tổ chức.

Cần có sự quan tâm đúng mức!

Mặc dù nghệ thuật sân khấu đã thâm nhập khá sâu vào môi trường học đường, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của nhiều HS-SV, song dường như loại hình này vẫn chưa được các trường quan tâm đúng mức. Có chăng chỉ là các hoạt động mang tính đại trà, nặng về phong trào hơn là chú trọng đầu tư một cách lâu dài. Một số nơi tuy đã áp dụng từ nhiều năm qua việc đưa nghệ thuật sân khấu vào học đường, nhưng khi được hỏi đến lại tỏ ra ngỡ ngàng vì cho rằng, đó chỉ là các tiết mục văn nghệ đơn thuần, làm đa dạng, phong phú thêm cho các chương trình chứ họ không am hiểu lắm về nghệ thuật sân khấu cũng như các loại hình của nó.

Bạn Trần Hạnh N. (Trung tâm GDTX Bạc Liêu) chia sẻ: “Mặc dù rất thích được hóa thân thành các nhân vật trong các tiểu phẩm, được sống và suy nghĩ với vai diễn của mình, nhưng em vẫn chưa am tường lắm về nghệ thuật sân khấu. Thời gian tới, em sẽ tìm hiểu kỹ hơn…”. Từ chia sẻ của những người trong cuộc cho thấy, để nghệ thuật sân khấu tỏa sáng và phát huy được thế mạnh trong học đường thì cần phải có một giáo án cụ thể thống nhất cho các trường với kiến thức nền giới thiệu các thể loại nghệ thuật dân gian tiêu biểu.

Niềm say mê của HS-SV sẵn có, chỉ cần sự đầu tư, quan tâm đúng mức từ phía các trường, các ngành hữu quan là có thể tạo được sức lan tỏa. Từ đó sẽ kích thích khả năng tự học, niềm say mê văn học tự thân của các bạn trẻ, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần vốn có của dân tộc.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.