Cả cộng đồng nỗ lực phòng, chống thiên tai

Thứ Hai, 21/05/2018 | 16:41

Những năm gần đây, thiên tai đã trở thành mối hiểm họa hiện hữu, nó cướp đi biết bao sinh mạng và tài sản của người dân. Chính vì vậy, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã dốc hết sức mình bằng mọi biện pháp nhằm làm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.  

Cơn dông (Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu mỗi năm bình quân có 6 người bị sét đánh). Ảnh: Lê Đức Toại

THIÊN TAI - HẬU QUẢ KHÓ LƯỜNG 

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, do tác động của biến đổi khí hậu, trong số 21 loại thiên tai phổ biến ở Việt Nam thì Bạc Liêu thường xuyên xuất hiện 11 loại. Bao gồm: bão và áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy và sét đánh, hạn hán và xâm nhập mặn, ngập lụt, sạt lở đất, nước biển dâng, mưa trái mùa và gió mạnh trên biển. Cấp độ rủi ro thiên tai dao động từ cấp 1 đến cấp 3. Bão chồng bão, áp thấp nối liền áp thấp liên tục xuất hiện. Các loại hình thiên tai nguy hiểm xảy ra và gây thiệt hại ngày càng nhiều đối với khu vực tỉnh Bạc Liêu. Theo thống kê, từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, 11 loại thiên tai nêu trên đã làm sập và tốc mái hơn 32.800 căn nhà, 421 người chết và mất tích, 124 người bị thương, thiệt hại hơn 21.000ha đất sản xuất, ước tính tổn thất tài sản đến hơn 1.151 tỷ đồng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm có 6 người chết do sét đánh, chưa kể bị thương, con số cao nhất khu vực ĐBSCL. Có những năm, khắp nơi trong tỉnh xuất hiện 80 cơn lốc xoáy.

Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Dự án “Rise and Fall” tại ĐBSCL do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Utracht (Hà Lan) thực hiện, sự sụt lún đang trở thành vấn đề đáng quan ngại. Nghiên cứu công bố vào tháng 3/2017 cho thấy, vùng ĐBSCL đang lún từ 1 - 3cm mỗi năm và tốc độ này đang ngày càng gia tăng. Riêng về triều cường, người dân khu vực ven biển Đông tỉnh Bạc Liêu cho biết đã thật sự nhận thấy mực nước triều cường dâng cao rất nhanh (20 - 30cm) so với 10 năm về trước. Tốc độ xói lở bờ biển Bạc Liêu bình quân hàng năm từ 20 - 30m theo chiều ngang và 0,5 -1m theo phương thẳng đứng.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nếu mực nước biển dâng 1m thì tỉnh Bạc Liêu sẽ bị ngập 48,6% diện tích.     

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nên hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của Bạc Liêu. Các huyện, thị xã đã từng đắp xong 454 con đập chỉ trong 7 ngày trước sự uy hiếp của xâm nhập mặn. Ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, mực nước ngầm ở các giếng khoan trên địa bàn tỉnh hiện tại đã bị sụt 2m, gây khó khăn cho việc cấp nước sinh hoạt của nhân dân và tăng chi phí sản xuất cho các trạm cấp nước. Số hộ thuộc nhóm dễ bị tổn thương là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, hộ neo đơn… Đây là những hộ rất dễ bị nghèo và tái nghèo do thiên tai gây ra.

GIẢI PHÁP VÀ NHỮNG KỸ NĂNG MỀM

Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khẳng định, thiên tai đã trở thành vấn đề lớn, để lại hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Do đó, bài học kinh nghiệm lớn nhất là cần phải huy động cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc để phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lấy người dân làm chủ thể và nòng cốt là ngành NN&PTNT.

Tỉnh Bạc Liêu có 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau: vùng sinh thái mặn, tiểu vùng sinh thái lợ và tiểu vùng giữ ngọt ổn định. Để ứng phó với sự khắc nghiệt của thời tiết, đứng ở góc độ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai, ngành NN&PTNT tỉnh đã xây dựng xong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (gồm tất cả các lĩnh vực chuyên ngành), đồng thời đề xuất các giải pháp thích ứng, phòng tránh các tác động của biến đổi khí hậu cho từng tiểu vùng. Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành NN&PTNT tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các hình thức tuyên truyền đến người dân để mọi người nắm rõ diễn biến của thiên tai, từ đó chủ động phòng tránh các tác hại. Tổ chức huy động cán bộ từ tỉnh đến cơ sở bám sát đồng ruộng để kịp thời xử lý tại chỗ các sự cố về nguồn nước, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi. Chủ động kiểm tra an toàn của hệ thống công trình, nhất là các cống đầu mối và cống phân ranh mặn - ngọt ngay từ đầu mùa khô để đảm bảo an toàn công trình và chủ động kiểm soát nguồn nước.

Để nâng cao năng lực, kỹ năng phòng chống thiên tai, giai đoạn 2008 - 2017, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành và địa phương tổ chức 108 lớp tập huấn cho hơn 6.200 người. Họ là những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ PCTT&TKCN ở cấp huyện, cấp xã và người dân.

Hiện, đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng đã được triển khai thực hiện. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đề nghị cần thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các đội xung kích, đội sơ cấp cứu tại chỗ và lưu động…, đồng thời tổ chức tập huấn, diễn tập để khi có thiên tai xảy ra thì công tác triển khai ứng phó được kịp thời, không bị lúng túng. Việc đưa tóm tắt các bản tin dự báo thiên tai (nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, sóng thần) vào sóng điện thoại di động phục vụ miễn phí cho cộng đồng để người dân có ý thức chủ động phòng, tránh là sự cần thiết.

Ông Lân cũng đề nghị các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố khi xây dựng mới trụ sở làm việc, trường học, các kết cấu hạ tầng khác phải tính đến sự phối hợp trưng dụng để tập trung dân tránh trú bão….

HỮU DUYÊN

Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Bạc Liêu

Trước diễn biến của thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung đã ký Quyết định 317/QĐ-UBND thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Quỹ).

Theo đó, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Ban Quản lý quỹ đặt tại Sở NN&PTNT. Nhiệm vụ của Ban Quản lý quỹ là vận động, tiếp nhận, quản lý các khoản đóng góp bắt buộc; nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Công khai kết quả thu, danh sách và mức thu đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng huyện. 

Đối tượng và mức đóng góp quỹ:

Đối với các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập (bao gồm các doanh nghiệp): mức đóng góp bắt buộc 1 năm là hai phần mười ngàn (2/10.000) trên tổng giá trị tài sản hiện có tại địa phương theo báo cáo tài chính hàng năm, nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng.

Công dân Việt Nam cư trú tại địa phương từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật, gồm: cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm. Người lao động trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng. Người lao động khác, trừ các đối tượng nêu trên, đóng 15.000 đồng/người/năm.

Quỹ được sử dụng để cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thức uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng, tránh thiên tai hoặc tu sửa khẩn cấp công trình phòng, chống thiên tai có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình. Hỗ trợ sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, chăm sóc y tế cho người dân nơi sơ tán đến; hỗ trợ quan trắc, thông tin, thông báo, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng…

T.Đ (lược trích)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.