Giá lúa tăng, nông dân đừng vội xuống giống

Thứ Hai, 11/09/2023 | 16:18

Nếu như vụ thu đông trước, nông dân thường bỏ đồng trống để dẫn nước, lắng phù sa…, thì năm nay, với mong muốn bắt kịp giá lúa đang tăng cao, nhiều bà con đã nhanh chóng bắt tay vào cải tạo đất, xuống giống ngay sau khi hoàn tất thu hoạch vụ hè thu. Thế nhưng, việc nóng vội bước vào vụ mới trong khi thời gian cách ly, xử lý đồng ruộng không đảm bảo, rất dễ dẫn đến những thiệt hại không đáng có.

Cần tập trung cải tạo đất

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, với những diện tích lúa chuẩn bị xuống giống, sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và bón các hoạt chất dinh dưỡng để trả lại chất hữu cơ cho đất. Quan trọng hơn hết, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa mỗi vụ hơn 20 ngày. Mặc dù nắm rất rõ quy tắc này, thế nhưng nhiều nông dân vẫn “phớt lờ” vì chạy theo giá lúa. Để đẩy nhanh quá trình xử lý, cải tạo đất, ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu, nông dân đã tiến hành đốt rơm rạ. Do lượng nước trên đồng còn khá nhiều, cộng với rơm rạ ướt nên một số hộ đã dùng nhớt cặn để đốt cho nhanh bắt lửa. Và ngay khi vừa cải tạo đất xong thì lúa giống cũng đã được ngâm sẵn để tiến hành gieo sạ. Tính từ ngày cắt đến khi xuống giống chưa đến 10 ngày!

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nông dân khá thận trọng trước quyết định có nên xuống giống vụ lúa thu đông trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Ông Mai Văn Kim (ấp Tường II, xã Hưng Phú, huyện Phước Long) cho biết: “Bỏ vụ thì tiếc, nhưng nếu không tính toán kỹ thì rất dễ bị mất mùa, bù lỗ tiền phân. Do vậy tôi cũng chưa vội bắt tay vào vụ mới mà để đồng đất có thời gian nghỉ ngơi”. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng của sâu, bệnh trong vụ lúa thu đông 2023, khi xuống giống nông dân nên tuân thủ theo nguyên tắc gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng; xây dựng cơ cấu giống lúa theo đúng yêu cầu cân đối, an toàn dịch bệnh.

Nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) tiến hành cải tạo đất chuẩn bị xuống giống vụ thu đông. Ảnh: C.L

Đồng hành cùng nhà nông

Để giúp nông dân chủ động sản xuất trong điều kiện thời tiết mưa, nắng xen kẽ như hiện nay, nhất là đối với những vùng nằm ngoài hệ thống ô đê bao, không có trạm bơm tát tập trung, các địa phương đang khuyến khích bà con nên chủ động các phương án, tránh xuống giống riêng lẻ, dễ bị thiệt hại trắng nếu gặp lúc mưa dầm, ngập úng cục bộ. Song song đó, tiến hành gia cố lại hệ thống ô đê bao, kiểm tra công tác vận hành các trạm bơm để chủ động các phương án ứng phó với các điều kiện thời tiết khi có mưa dông xuất hiện trong quá trình canh tác.

“Ở những vùng không đảm bảo điều kiện sản xuất vụ lúa thu đông, xã đã tiến hành họp dân để thông tin cho bà con biết. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc bảo quản, vận hành các trạm bơm cố định cũng như dự phòng các máy bơm di động để ứng cứu ruộng lúa cho người dân khi có các điều kiện thời tiết bất lợi diễn ra trong quá trình sản xuất”, ông Phùng Văn Đăng - Chủ tịch UBND xã Hưng Phú, cho biết.

Bên cạnh đó, để phòng trừ sâu, bệnh gây hại lúa, cùng với kỹ thuật canh tác, ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân nên chú ý việc sử dụng thuốc hóa học hợp lý cho từng loại bệnh và từng giai đoạn; nắm chặt diễn biến thời tiết và kiểm tra ruộng đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Mặc dù giá lúa tăng cao trong thời gian gần đây và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng trong những tháng qua, tuy nhiên, người dân cũng cần thực hiện xuống giống theo khuyến cáo của ngành chức năng, không sản xuất tự phát để tránh thiệt hại về cuối vụ. Nếu thực hiện các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo lúa được an toàn và vấn đề mấu chốt là sự liên kết chặt chẽ giữa bà con, các hợp tác xã và doanh nghiệp - đây là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và kịp thời điều chỉnh các chính sách, trong đó có cả chính sách về xuất, nhập khẩu trong thời gian tiếp theo.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Người dân cần bình tĩnh thực hiện xuống giống theo lịch thời vụ của ngành chức năng khuyến cáo để né hạn, mặn. Trước hiện tượng El Nino, Cục Trồng trọt cũng đang tính toán mùa vụ hợp lý. Đồng thời, nông dân không nên thấy giá gạo lên mà vừa cắt lúa xong đã lại xuống giống ngay. Trong khi không biết sắp tới đây nguồn nước ngọt có dẫn đủ không, nước mặn có khả năng xâm nhập…?”.

Giá lúa tăng cao, lợi nhuận của nông dân cũng vì thế được đảm bảo, đây là tín hiệu vui đối với người trồng lúa trong tỉnh nói riêng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tuy nhiên, hiện tượng El Nino đã và đang tác động đến nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất nông nghiệp, vì vậy, nông dân không nên tự ý xuống giống mà phải tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng để tránh nguy cơ thiếu nước, chịu ảnh hưởng của hạn, mặn và các yếu tố gây bất lợi khác.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.