Hành trình xây dựng hạt ngọc Bạc Liêu

Thứ Hai, 09/10/2023 | 15:09

Đảng và Nhà nước ta nhiều lần khẳng định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Chính vì vậy, Bạc Liêu đã xác định và chỉ đạo triển khai thực hiện “Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo” là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

>>>> Bài 1: Đi tìm giống lúa khẳng định vị thế hạt gạo Bạc Liêu

Bài 2: Chắp cánh cho thương hiệu hạt lúa quê hương

Sau khi giống lúa BL9 được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) công nhận lưu hành đặc cách, tại buổi lễ công bố giống lúa mới, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, kinh phí để hạt gạo mang thương hiệu Bạc Liêu chắp cánh vươn xa không chỉ giới hạn trong tỉnh mà sẽ được trồng rộng rãi các vùng trong cả nước. Với sự quan tâm này, gạo BL9 được kỳ vọng không chỉ chinh phục được thị trường trong nước mà sẽ hướng tới thị trường quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều tham quan khu trưng bày lúa, gạo BL9. Ảnh: M.Đ

Hiện thực hóa giấc mơ gạo ngon trên đất mặn

Ưu điểm đặc biệt vượt trội mà ngay cả “cha đẻ” của BL9 cũng không thể ngờ tới, đó chính là độ chịu mặn lên đến trên 4/1.000 ngoài đồng đất. Độ chịu mặn này là “chưa từng có” đối với  nhiều giống lúa, càng đặc biệt hơn khi BL9 không chỉ chịu mặn tốt mà còn rất phù hợp với mô hình lúa tôm - vốn là mô hình thích ứng tốt với biến đổi khí hậu ở khu vực bán đảo Cà Mau. Do đó, sự thành công của việc tìm ra giống lúa BL9 là điều mà giới khoa học, chính quyền và người dân vùng bán đảo Cà Mau hết sức mong đợi. Một giống lúa riêng biệt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, lại có thể ngọt cơm, thơm dẻo; đủ điều kiện về độ khó tính có thể cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu quả là điều xưa nay hiếm.

Vùng ĐBSCL nói chung và Bạc Liêu nói riêng hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn, cũng là một khu vực chịu sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Chia sẻ về ý tưởng chọn lọc giống mang thương hiệu Bạc Liêu, kỹ sư Dương Văn Ngô cho biết, sau tính chịu mặn thì điều ông quan tâm nhất là phẩm chất gạo; rồi đến tính kháng đạo ôn để sản xuất trên vùng lúa tôm; sau đó đến năng suất. Qua khảo nghiệm, BL9 rất phù hợp với vùng sản xuất lúa tôm và đạt năng suất cao từ 8 tấn trở lên, cao hơn các loại lúa thơm khác từ 100 - 150kg. “Chịu mặn cao; hạt gạo thơm ngon; năng suất cao, ít sâu bệnh”, giấc mơ về một giống lúa đặc thù của người nông dân vùng đất phèn mặn đã thành hiện thực, hóa giải những thách thức mà hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu mang lại.

Sau khi ra mắt, giống lúa BL9 đã bắt đầu được trồng thử nghiệm trên nhiều đồng đất ở các huyện Hồng Dân, Phước Long với diện tích khoảng 100 - 150ha. Kết quả mang lại cực kỳ ấn tượng. Ông Võ Đức Toàn - Giám đốc HTX Hòa Phát (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) đã trồng giống lúa BL9 được 3 vụ ở cả 2 vùng mặn - ngọt. “Nếu như vụ lúa ở vùng ngọt năng suất đạt 7 tấn/ha thì 2 vụ lúa trên đất nuôi tôm (vùng mặn) năng suất lúa đạt gần 8 tấn/ha. Thật bất ngờ” - ông Toàn hào hứng chia sẻ. Chính vì vậy, vụ lúa - tôm năm nay, không chỉ các thành viên trong HTX Hòa Phát bắt đầu chuyển đổi sang sản xuất lúa BL9 mà nhiều nông dân ở các xã vùng lúa - tôm khác khi tận mắt “kiểm chứng” năng suất, chất lượng giống lúa BL9 cũng đã trong tâm thế sẵn sàng cho việc chuyển đổi.

Vấn đề còn lại bây giờ, là sự hà hơi tiếp sức và mạnh dạn đầu tư từ ngành Nông nghiệp, sự đảm bảo chắp cánh cho hạt gạo Bạc Liêu bay xa như cam kết của người đứng đầu tỉnh Bạc Liêu.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chọn lọc giống BL9.

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo đặc sản địa phương

Sau khi giống lúa BL9 được công nhận lưu hành đặc cách, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, nhân rộng diện tích sản xuất để hình thành vùng lúa nguyên liệu rộng lớn. Hướng đến xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị hạt lúa, giúp nông dân tăng thu nhập.

Bước đầu, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty Angimex (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) sản xuất 500ha giống lúa BL9 trong vụ thu đông, đông xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ông  Lê Hoàng Can - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ cao Angimex cho biết, dự kiến năm 2024, Angimex sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống lúa này trên các vùng đất lúa - tôm ở nhiều tỉnh, thành ngoài Bạc Liêu như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và các tỉnh khác từ  2.000 - 3.000ha bởi gạo BL9 hiện đang rất hút khách hàng, cung không đủ cầu.

Ngoài Công ty Angimex An Giang, tại hội thảo về giống lúa BL9 hồi tháng 9/2023 do Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty và hàng chục HTX trong và ngoài tỉnh đã chuyển hướng quan tâm tìm kiếm cơ hội và tham gia ký kết hợp tác mở rộng diện tích trồng, bao tiêu, chế biến giống lúa gạo này để cung ứng thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Sở đang giao Trung tâm Giống phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hoàn chỉnh quy trình hướng dẫn canh tác lúa BL9 để cung cấp, khuyến cáo nông dân sản xuất. Bên cạnh đó là tổ chức tập huấn; xây dựng cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu, hỗ trợ nông dân, cung cấp lúa giống chất lượng… Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng vùng lúa nguyên liệu, hình thành chuỗi giá trị lúa thơm - tôm sạch; từng bước xây dựng giống lúa BL9 đạt chuẩn lúa chất lượng cao, chứng nhận GAP để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm lúa, gạo của địa phương, đây mới chỉ là bước đầu. Vẫn còn rất nhiều việc cần phải được quan tâm thực hiện nhanh, đồng bộ và hiệu quả. Như những gì mà kỹ sư Dương Văn Ngô vẫn còn tâm tư liên quan đến vấn đề bảo vệ tác quyền đối với giống lúa BL9. Theo đó, phải nhanh chóng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho giống lúa; chú trọng bảo vệ chất lượng lúa giống trước khi lưu hành. Đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng cho giống lúa BL9 để mở đường cho xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc. Hoặc khi chọn các doanh nghiệp liên kết phải đủ lớn, đủ mạnh và có sự cạnh tranh chứ không để một doanh nghiệp độc quyền…

Giống lúa BL9 được công nhận đặc cách, bên cạnh chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, còn mang đậm dấu ấn vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm của những cán bộ, đảng viên Trung tâm Giống, của ngành Nông nghiệp, và trực tiếp là nhóm nghiên cứu của kỹ sư, đảng viên Dương Văn Ngô - ở sự dấn thân, đức tính kiên trì, không nản lòng dẫu có thất bại nhiều lần. Niềm tin mãnh liệt, mong muốn cháy bỏng, cộng với kiến thức khoa học đã giúp các kỹ sư mày mò, tìm tòi ra được một giống lúa riêng cho địa phương, khẳng định chỗ đứng cho lúa gạo của tỉnh nhà trong xu thế mới. Khát khao đó cũng chính là ước mơ của người nông dân có thể làm chủ trên đồng ruộng của chính mình.

Minh Đạt

Tỉnh Bạc Liêu có tổng diện tích tự nhiên gần 2.700km², với điều kiện khí hậu, đất đai, nguồn nước khá đa dạng, có 3 vùng sinh thái (mặn - ngọt - lợ) rất phù hợp cho sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh có gần 59.000ha diện tích canh tác chuyên lúa 2 - 3 vụ/năm và gần 48.000ha lúa - tôm, với diện tích gieo trồng hằng năm gần 195.000ha, cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn với giá trị sản xuất đạt gần 8.000 tỷ đồng mỗi năm. Với thế mạnh của mình, Bạc Liêu đang từng bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất kiểu cũ của nông dân sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.