Lan tỏa phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ Sáu, 13/10/2017 | 14:43

Qua 5 năm (2012 - 2016) triển khai thực hiện, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (gọi tắt là phong trào) đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.

Bà Quách Thị Thêu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và ông Trần Văn Út - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lợi trao bằng khen cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi.

Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hội Nông dân tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Lan tỏa phong trào

Qua việc làm tốt công tác triển khai, tuyên truyền, phát động sâu rộng trong hội viên, nông dân, đã có hơn 170.000 hộ nông dân đăng ký thực hiện phong trào. Để phong trào liên tục phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu ở nhiều lĩnh vực, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp nông dân, đẩy mạnh phong trào phát triển đa dạng, phong phú. Thông qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều tấm gương nông dân điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong 5 năm, có 79.414 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, có 544 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương; 8.544 hộ đạt danh hiệu Nông dân giỏi cấp tỉnh; 21.508 hộ đạt danh hiệu Nông dân giỏi cấp huyện...

Để phong trào đạt hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT  tổ chức mở 838 lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật, có 28.550 lượt hội viên, nông dân tham dự; triển khai xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 440ha ở mỗi vụ, có 308 nông dân tham gia thực hiện; tổ chức hội thảo đầu bờ… Song song đó, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo quy trình, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) và thực hiện sổ tay ghi chép sản xuất lúa đã giúp nhiều nông dân có kinh nghiệm và kỹ năng canh tác lúa theo hướng an toàn, bền vững, góp phần phát triển kinh tế, làm nòng cốt cho phong trào. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở KH-CN tổ chức tập huấn khai thác thông tin khoa học - công nghệ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm rơm, trồng dưa leo, khổ qua trái vụ, nuôi tôm, nuôi lươn… tạo điều kiện giúp nông dân cập nhật kịp thời các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thực hiện chương trình đào tạo nghề cho 26.399 lao động nông thôn là hội viên, nông dân địa phương với tổng kinh phí 4 tỷ  đồng…

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh và DNTN Tôm giống Dương Hùng tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề và xây dựng mô hình điểm nuôi tôm an toàn sinh học tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ 1 tỷ đồng cho nông dân xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học. Trong 5 năm qua đã có hơn 13.000 lượt hộ hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ về cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm, vốn, kỹ thuật nuôi thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất… Từ đó đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu và đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Các mô hình sản xuất hiệu quả

Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững như: mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao; mô hình thay thế các giống lúa địa phương năng suất thấp đã được thử nghiệm, nhân giống, lai tạo giống có hiệu quả cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm của các hộ: Phú Văn Trực, Trần Văn Ngỗ (huyện Hòa Bình), Nguyễn Cao Tiễn (huyện Vĩnh Lợi); hay mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến theo phương pháp an toàn sinh học mang lại hiệu quả cao của các hộ: Nguyễn Văn Đẹp (huyện Vĩnh Lợi), Nguyễn Thanh Cần, Đặng Thành Công (huyện Phước Long) trong khi đó, mô hình tôm - lúa - cá cũng đạt hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nông dân hạn chế sự thoái hóa đất, hạn chế dịch hại phát sinh thông qua việc luân canh. Điển hình như hộ ông Lê Văn Nam (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) với diện tích 2,2ha/2 vụ, lợi nhuận hơn 160 triệu đồng. Còn mô hình VAC kết hợp trồng lúa của ông Giang Văn Buôl (ấp Thạch Long, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi), cho thu nhập bình quân 450 triệu đồng, lợi nhuận 220 triệu đồng mỗi năm…

Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, phong trào có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ, nay đã biết liên kết trong sản xuất, tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để ký hợp đồng bao tiêu nông sản với các công ty, hạn chế khó khăn trong việc tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao đời sống nông dân, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. “Thông qua phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh từng bước cải tiến nội dung, phương thức hoạt động. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, và nhiều nông dân có cách làm hay. Từ đó tạo tiền đề cho phong trào và công tác Hội ngày càng phát triển vững mạnh, thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội", bà Quách Thị Thêu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, đánh giá.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.