Nông nghiệp Bạc Liêu: Tiềm năng đầu tư và phát triển

Thứ Sáu, 26/01/2018 | 17:18

Là tỉnh nông nghiệp có tiềm năng phát triển rất lớn về nuôi tôm nước lợ và cây lúa cũng như diêm nghiệp, Bạc Liêu còn là tỉnh có diện tích và sản lượng tôm nhất nhì cả nước. Với hai vùng sinh thái rõ rệt: vùng mặn và vùng ngọt, thuận tiện cho phát triển con tôm và cây lúa; ngoài ra, diêm nghiệp và chăn nuôi cũng là thế mạnh của tỉnh nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Vì thế, tỉnh đã mời gọi các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp để vực dậy sự phát triển của nền nông nghiệp.

Ông Lương Ngọc Lân - Giám đốc Sở NN&PTNT (thứ hai từ trái sang) tham quan ruộng lúa giống Nàng hoa 9 của nông dân xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) được Công ty Quốc Tế Gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Diêm dân huyện Hòa Bình thu hoạch muối sạch. Ảnh: M.Đ - P.T.C

Tiềm năng phát triển

Thủy sản là một trong những thế mạnh nhất của nông nghiệp Bạc Liêu. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác trong năm 2017 là 322.650 tấn (trong đó tôm 129.745 tấn, cá và thủy sản khác 192.905 tấn). Diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) là 138.934ha, trong đó, 21.182ha nuôi tôm sú, tôm thẻ siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; 500ha quảng canh cải tiến chuyên tôm; 33.747ha nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa. Đặc biệt, tỉnh có 79.140ha tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua, cá cung cấp cho thị trường xuất khẩu hàng ngàn tấn tôm, cua, cá sạch. Các sản phẩm tôm - lúa, tôm - rừng là các mặt hàng tôm sinh thái được các nhà máy thu mua chế biến phục vụ xuất khẩu các thị trường khó tính. Các mô hình nuôi tôm rất hiệu quả từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đến mô hình tôm - lúa. Đặc biệt, mô hình phát triển hiệu quả và bền vững được ngành chức năng khuyến cáo nhân rộng là mô hình tôm - lúa, lợi nhuận bình quân 68 triệu đồng/ha.

Một trong những sản phẩm phát triển sau con tôm là cây lúa. Tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh là 183.023ha, với tổng sản lượng lúa 1.062.000 tấn. Các loại cây thực phẩm được sản xuất 14.076ha, sản lượng 142.052 tấn. Ngoài ra, còn có một số các loại cây trồng khác như: cây có củ, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn quả...

Về chăn nuôi, tổng đàn heo 229.247 con; đàn trâu, bò 3.515 con,  đàn dê 9.830 con và đàn gia cầm hơn 2,7 triệu con. Chăn nuôi động vật hoang dã trong đàn cá sấu hơn 301.000 con; đàn ba ba, cua đinh, càng đước 41.200 con; đàn trăn, rắn 74.755 con; sản phẩm động vật hoang dã 2.361,39 tấn... Về sản xuất diêm nghiệp, muối Bạc Liêu là sản phẩm nổi tiếng cả nước. Toàn tỉnh có 1.694ha đất sản xuất muối với tổng sản lượng thu hoạch 36.096 tấn, trong đó muối trắng 12.703 tấn. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã cho phép diêm dân chuyển đổi, hoặc nuôi trồng thủy sản trên đất muối trong những tháng mùa mưa để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Liên kết tiêu thụ sản phẩm

Con tôm, cây lúa là hai sản phẩm đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Để nâng cao chất lượng nông sản và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ngoài sự linh hoạt của nông dân, một số hộ trồng lúa, nuôi tôm đã liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Hiện toàn tỉnh có 72 hợp tác xã (HTX) và 566 tổ hợp tác (THT) với 17.395 xã viên, thành viên. Các HTX, THT đại diện cho các tập thể nông dân đứng ra mua các sản phẩm đầu vào và ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu các sản phẩm đầu ra cho nông dân. Vì vậy, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực nông nghiệp.

Để tạo vùng nguyên liệu tôm, lúa rộng lớn đạt chất lượng và số lượng cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp, tỉnh đã chủ động xây dựng các cánh đồng mẫu lớn lúa - tôm, ứng dụng công nghệ cao thuận tiện cho liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, năm 2017, tỉnh  xây dựng được 14 cánh đồng mẫu lớn trên cây lúa với hơn 7.500ha. Quy mô cánh đồng mẫu lớn từ 100ha/cánh đồng trở lên. Chính vì có sự liên kết chặt chẽ tạo vùng nguyên liệu với số lượng lớn nên rất thuận lợi cho các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các giống lúa được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu chủ yếu là lúa chất lượng cao, lúa thơm như OM 5451, OM 4900, OM 6976, Lộc Trời 1, Nàng hoa 9, RVT, OM 2517, ĐT 8... Anh Trịnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường cho biết: “Không chỉ thu mua lúa Nàng hoa 9 cho các thành viên, HTX còn hỗ trợ và bao tiêu thu mua của nông dân ở các huyện: Hòa Bình, Phước Long, Vĩnh Lợi... gần 2.200ha lúa”.

Ngoài việc liên kết tiêu thụ lúa, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản đã trực tiếp tham gia vào xây dựng các mô hình liên kết chuỗi NTTS với các THT, HTX. Các công ty, doanh nghiệp hợp đồng với các HTX, THT đầu tư tôm giống, thức ăn và thuốc thủy sản cho nông dân và tổ chức hướng dẫn quy trình ứng dụng các công nghệ cao vào nuôi tôm. Sau khi nông dân thu hoạch, công ty, doanh nghiệp thu mua toàn bộ số tôm nuôi các thành viên của HTX, THT.

Không chỉ có tôm và lúa, hiện nay ngành Nông nghiệp cũng đã kết nối để doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ muối, Artemia. Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ 43ha muối trải bạt cho diêm dân với giá mua muối tương đương giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhiều hộ diêm dân chuyển đổi từ làm muối kém hiệu quả sang nuôi Artemia. Sản phẩm trứng Artemia của một số hộ dân cũng được HTX Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu bao tiêu thu mua hơn 300ha.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành chức năng tập trung phát triển theo chuỗi giá trị (lúa, tôm...) để gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản, nâng cao vai trò của doanh nghiệp đối với phát triển theo chuỗi giá trị. Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Bạc Liêu có tiềm năng về nông nghiệp rất lớn, nhất là con tôm, nên tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, công ty đến tỉnh đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, điện tái tạo... Là tỉnh trung tâm của bán đảo Cà Mau nên Bạc Liêu thuận tiện cho việc giao lưu vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh với nhau. Từ khi Chính phủ cho phép xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đến nay, tỉnh đã tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp, công ty xúc tiến đầu tư và đã có trên 20 công ty, doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào khu này. Hiện tỉnh đẩy nhanh việc xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để sớm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Bạc Liêu”.

Minh Châu

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.