Tiêu thụ hàng nông - thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19: Không để nghẽn mạch

Thứ Hai, 16/08/2021 | 15:18

Những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, tiêu thụ hàng nông - thủy sản là một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Bởi con đường tiêu thụ hàng nông sản không được khai thông thì khả năng doanh nghiệp, nông dân sẽ ngừng phát triển sản xuất và khó hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 khi 90% nguồn thu dựa vào nông nghiệp, xuất khẩu.

Bạc Liêu sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng “luồng xanh” cho giao thông thủy để giúp tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Trong ảnh: Thu mua lúa cho nông dân tại huyện Phước Long.

TIÊU THỤ LÚA GẶP KHÓ

Hiện tại là thời điểm nông dân trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa hè thu và dự kiến kéo dài cho đến tháng 9/2021 mới kết thúc mùa vụ. Với tổng diện tích sản xuất vụ hè thu hơn 58.900ha sẽ cho tổng sản lượng ước đạt 331.658 tấn. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay chính là nhiều nơi lúa đã chín đầy đồng nhưng không có dịch vụ thu hoạch và thương lái đến thu mua lúa của nông dân. Trong khi đây là thời điểm thường xảy ra mưa to, gió lớn, nếu không tập trung thu hoạch nhanh lúa dễ bị đổ ngã gây thiệt hại và làm giảm năng suất. Cụ thể là hiện nay Bạc Liêu đang tập trung thu hoạch đứt điểm đợt 1 với tổng diện tích cần thu hoạch trên 11.280ha. Trong đó, TX. Giá Rai 1.000ha, huyện Phước Long 84ha, huyện Hồng Dân 1.394ha, huyện Hòa Bình 7.311ha và huyện Vĩnh Lợi 1.500ha.

Theo phản ánh của các địa phương, phần lớn diện tích được thu hoạch và bao tiêu lâu nay chủ yếu dựa vào các thương lái ngoài tỉnh. Vì vậy, với việc thực hiện giãn cách xã hội và cấm các phương tiện này nhập tỉnh đã làm cho việc thu hoạch, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian tập trung thu hoạch đồng loạt như hiện nay. Bởi cả tỉnh chỉ có 253 máy gặt đập và con số này chỉ giải quyết được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nhờ vào các dịch vụ máy gặt ngoài tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang…

Cụ thể, TX. Giá Rai có 17 máy, huyện Phước Long 66 máy, huyện Hồng Dân 47 máy, huyện Hòa Bình 53 máy, huyện Vĩnh Lợi 76 máy và TP. Bạc Liêu 3 máy. Với diện tích thu hoạch lúa đợt 2 từ nay đến ngày 20/9 rất lớn (khoảng 48.620ha) thì việc thực hiện điều phối máy gặt đập trong tỉnh từ địa phương này đến địa phương khác cũng chỉ mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu và số máy ngoài tỉnh cần hỗ trợ chiếm 40 - 50% mới đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn. Điều đáng nói là các dịch vụ thu hoạch này đều gắn với việc giúp nông dân tiêu thụ lúa thông qua mô hình thu mua lúa tươi ngay tại đồng. Do vậy, không có lực lượng lao động trên thì các thương lái cũng không có điều kiện đến thu mua lúa của nông dân. Trong tổng số 331.658 tấn của vụ hè thu năm nay qua thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, thì các Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty Thủy sản - Vinh, Công ty Nhật Toàn, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường và các đại lý vật tư nông nghiệp, HTX khác của tỉnh… chỉ có thể tiêu thụ khoảng 40% sản lượng, còn lại 60% phải dựa vào các thương lái ngoài tỉnh vào thu mua.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ cũng làm cho giá thu mua lúa giảm mạnh và gây bất lợi cho nông dân. Hiện nay, giá bán các giống lúa khác nhau giảm dao động từ 200 - 600 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ (trong đó, giống lúa Đài thơm 8 và RVT giá bán giảm nhiều nhất với 600 đồng/kg). Nguyên nhân do chi phí vận chuyển tăng cao (chi phí sang ghe trung chuyển) và không có người thu mua. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì chắc chắn giá lúa sẽ còn lao dốc và có khả năng làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của vụ thu đông, đông xuân và lúa vụ mùa.

Nông dân TP. Bạc Liêu thu hoạch tôm bán cho thương lái. Ảnh: L.D

QUYẾT TÂM GIỮ VỮNG TĂNG TRƯỞNG

Việc tiêu thụ lúa hè thu và hàng nông - thủy sản hiện nay tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm giữ vững tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, đặc biệt là thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh ủy, chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2021, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và yêu cầu ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện tốt công tác chỉ đạo phát triển sản xuất. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ chủ động phối - kết hợp cùng các ngành, địa phương triển khai linh hoạt kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2021, năng động trong chỉ đạo điều hành sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ và mùa vụ trong tình hình mới. 

Theo ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT trong năm 2021, chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp phải thực hiện tổng sản lượng thủy sản đạt 414.400 tấn, sản lượng lúa 1.155.000 tấn, đàn heo 210.000 con, đàn trâu bò 3.800 con, đàn dê 11.300 con, đàn gia cầm 3.150.000 con và thịt hơi các loại 47.740 tấn, trứng gia cầm 74,5 triệu quả. Kết quả trong 7 tháng của năm nay, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với cùng kỳ. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và dự kiến trong tháng 8 đến hết tháng 9/2021, sản lượng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm chính ngoài cây lúa thu hoạch từ vụ hè thu thì vẫn là con tôm với tổng sản lượng dự kiến khoảng 50.106 tấn và sản lượng xuất bán ra thị trường khoảng 45.000 tấn. Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp và các nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua thủy sản cho nông dân và góp phần làm giảm áp lực về đầu ra đối với mặt hàng thế mạnh này. Tuy nhiên, giá thu mua tôm hiện nay giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, do các nhà máy giảm công suất, không có công nhân vì thực hiện công tác phòng chống dịch.

Để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp, nhằm góp phần duy trì sản xuất và đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu tăng trưởng. Về tiêu thụ nông sản và chỉ đạo sản xuất trong mùa dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất như: con giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và vật tư, thiết bị phục vụ duy trì sản xuất. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, thiết lập đường dây nóng và tạo nhóm liên Sở NN&PTNT với các tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tổ công tác của Bộ NN&PTNT; nhóm của lãnh đạo Sở NN&PTNT với các Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố... phối hợp với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, hướng dẫn kịp thời giúp lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng của Nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương, Viettel post; VN post Bạc Liêu hỗ trợ tạo điều kiện vận chuyển, tiêu thụ nông sản; các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng đã hỗ trợ thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân trước tình hình dịch bệnh COVID-19. Lập nhóm trên ZaLo, thành lập Tổ hỗ trợ, thông báo đường dây nóng... để tiếp nhận, xử lý khó khăn trong sản xuất, vận chuyển tiêu thụ nông sản như: thông tin, hướng dẫn và đăng ký giúp “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng hóa của cơ sở, doanh nghiệp; cung cấp danh sách đầu mối các chuỗi cung ứng hàng hóa; phối hợp xử lý một số trường hợp lưu thông qua các chốt kiểm soát... Riêng các địa phương thực hiện giãn cách xã hội xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương bao gồm: chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, sẽ thu hoạch và dự kiến theo từng tháng, hoặc đột xuất đến cuối năm 2021 để chủ động các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, tránh tình trạng ùn tắc và tiêu thụ không được…

Có thể nói, với sự chung sức của cả hệ thống chính trị và quyết tâm vượt qua khó khăn, Bạc Liêu sẽ thực hiện tốt các giải pháp đồng hành và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông, thủy sản.

KIM TRUNG

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Lê Tấn Cận: Sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng “luồng xanh” đường thủy trong vùng đảm bảo việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của nông dân

Để kịp thời hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ hàng nông - thủy sản, nhất là vụ hè thu năm nay, UBND tỉnh sẽ sớm đề xuất Chính phủ xây dựng “luồng xanh” vận tải đường thủy trong vùng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các đối tượng tham gia thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, UBND tỉnh cũng sẽ sớm có công văn hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất giữa các huyện, thị xã, thành phố tạo thuận lợi về thủ tục, điều kiện để thương lái, doanh nghiệp, HTX, chủ phương tiện, người lao động trong và ngoài địa bàn đi lại dễ dàng để thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân nhưng vẫn đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Với quyết tâm vượt khó và góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chủ động phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, nắm sát lịch thu hoạch lúa hè thu, số lượng máy gặt đập và lực lượng lao động hiện có, kết nối với các máy gặt đập từ các huyện lân cận và ngoài tỉnh vào nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu cắt lúa cho nông dân, nhất là vào cao điểm thu hoạch tập trung, điều phối giữa các địa bàn, khu vực nào thu hoạch trước, khu vực nào thu hoạch sau để đảm bảo hài hòa, hiệu quả. Gắn với công tác này là nắm lại những nơi nào có nguy cơ lúa bị đổ ngã, hoặc ngập úng do mưa bão gây ra mà máy gặt đập không hoạt động được để chủ động huy động lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ giúp nông dân thu hoạch lúa, hạn chế tình trạng nông dân bị thiệt hại do không có lao động thu hoạch. Bên cạnh đó, rà soát lại các doanh nghiệp, công ty, HTX và  thương lái đã đăng ký cam kết thu mua lúa cho nông dân, nhằm có ngay các giải pháp hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ lúa.

Với việc huy động cả hệ thống chính trị cùng giúp và lo cho dân, các cấp, các ngành và các địa phương cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân; xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trên tinh thần quyết liệt và khẩn trương.

Giám đốc Sở Công thương - Phan Văn Sáu: Đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản giữa các địa phương

Để giải quyết khó khăn trong tiêu thụ nông sản - thủy sản hiện nay, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các doanh nghiệp, các đơn vị trong và ngoài tỉnh tập trung đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ hàng nông sản giữa các địa phương. Đồng thời, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động xây dựng phương án trong sản xuất - kinh doanh tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông - thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn, coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng. Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương và phối hợp tốt với các đơn vị của Bộ Công thương, nhằm khai thác và tận dụng các cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới thông qua Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt là kiến nghị Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ, kịp thời cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu thị trường nông sản - thủy sản trong nước và nước ngoài; chỉ đạo định hướng sản xuất các mặt hàng nông - thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng trên từng khu vực thị trường; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường chính ngạch. Cũng như chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp hỗ trợ triển khai thực hiện Kế hoạch 1034 của Bộ Thông tin và Truyền thông về đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, không ngừng mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ hàng nông - thủy sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như hiện nay.

* Ông Từ Minh Phúc - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi: Hiện nay cả huyện chỉ có 76 máy gặt với tổng công suất bình quân 4ha/máy, tương đương với khoảng 280ha/ngày. Trong khi đó, từ nay đến ngày 30/8 diện tích lúa cần thu hoạch chiếm hơn 6.000ha. Do vậy, huyện cần đến 130 máy gặt/ngày mới giải quyết hết diện tích này. Nếu sau ngày 15/8, Bạc Liêu tiếp tục áp dụng không cho người ngoài tỉnh vào như hiện nay thì khâu thu hoạch lúa của huyện sẽ thật sự gặp nhiều khó khăn (thiếu từ 50 - 70 máy gặt). Vì trong giai đoạn này, huyện Hòa Bình và huyện Phước Long cũng vào giai đoạn thu hoạch cao điểm nên khó điều tiết máy hỗ trợ từ các địa phương này đến các địa phương khác. Kéo theo đó là vụ lúa hè thu của huyện với khoảng 100.000 tấn sẽ vô cùng khó khăn trong tiêu thụ. Vì vậy, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, điều kiện để cho các dịch vụ thu hoạch và thương lái vào giúp nông dân tiêu thụ lúa và huyện sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

* Ông Trần Văn Liêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long: Để giải quyết những khó khăn trong thu hoạch và tiêu thụ lúa hè thu, huyện Phước Long sẽ phát huy tối đa năng lực máy cắt và lực lượng lao động trong huyện, tổ chức thu hoạch lúa cho người dân theo từng khu, từng vùng, phân phối máy cắt hợp lý. Đồng thời, thực hiện nghiêm hướng dẫn của tỉnh về công tác phòng chống dịch bệnh và xem xét cho máy cắt, nhân công tham gia máy cắt ngoài tỉnh vào địa bàn nhưng phải đảm bảo có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 giờ để phục vụ thu hoạch lúa cho nông dân. Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, huyện sẽ bố trí khu lưu trú riêng cho lực lượng lao động ngoài tỉnh, tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện cam kết không tiếp xúc với người ngoài tỉnh, trong quá trình tham gia thu hoạch thì thực hiện theo phương châm “Một cung đường hai điểm đến”, sau 72 giờ thì thực hiện test kháng nguyên lại nhằm đảm bảo phòng chống dịch theo quy định.

Ngoài ra, kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN&PTNT vận động các công ty, doanh nghiệp lớn trên địa bàn tăng sản lượng thu mua hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa hè thu. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đại lý, HTX có điều kiện thu mua trữ lúa hàng hóa vụ hè thu trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp. Hiện tại, trong huyện có 22 tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi để thu mua lúa cho nông dân.

L.D (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.