Xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững

Thứ Sáu, 11/06/2021 | 15:36

Sản xuất nông nghiệp được xác định là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế Bạc Liêu. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề xử lý phụ phẩm, chất thải sau thu hoạch của lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cộng với kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi còn hạn chế... tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa trồng theo quy trình vi sinh của HTX Vĩnh Cường.

XEM NHẸ CHẤT LƯỢNG ĐẦU RA

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Bạc Liêu đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án, khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn, chỉnh trang đồng bộ hệ thống đường giao thông, thủy lợi giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xây dựng các mô hình trình diễn, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác.

Tuy nhiên, trong tư duy sản xuất của nhiều nông dân hiện nay vẫn còn chạy theo năng suất, sản lượng, trong khi đó lại xem nhẹ yếu tố chất lượng đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Chính vì vậy, hàng năm nông dân trong tỉnh sử dụng hàng ngàn tấn phân bón và thuốc BVTV các loại trong quá trình canh tác. Việc lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào các loại phân, thuốc hóa học đã vô tình triệt tiêu các loại thiên địch có lợi trên đồng ruộng và cả sự “thích nghi” dần của các loại sâu bệnh gây hại dẫn đến việc lờn thuốc, thuốc xịt kém hiệu quả. Thay vì tìm phương pháp khác để xử lý thì nhiều nông dân lại tiếp tục tìm mua các loại phân, thuốc có độc tính cao hơn để sử dụng. Chính thói quen xấu trong canh tác này đã làm cho chi phí sản xuất vụ sau luôn cao hơn vụ trước, năng suất thì có thể tăng nhưng chất lượng sản phẩm và độ an toàn của các mặt hàng làm ra thì nông dân hầu như… mù tịt. Nông dân Trần Thanh Nhưng (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Mấy năm nay trồng lúa tuy năng suất có tăng nhưng tính ra lợi nhuận cuối vụ thì lại không bằng lúc trước. Trước đây, chi phí cho mỗi công lúa chỉ tầm 0,9 - 1,2 triệu đồng, nay tính sơ sơ mỗi công cũng phải tiêu hết 1,5 - 2,2 triệu đồng. Chiếm phần nhiều trong chi phí canh tác là phân và thuốc BVTV”.

Thương lái thu mua lúa canh tác theo quy trình an toàn sinh học ở huyện Phước Long. Ảnh: M.Đ

HƯỚNG ĐẾN SẢN XUẤT XANH, SẠCH

Để xây dựng nền sản xuất an toàn, bền vững thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn nông dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng”; áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến như quy trình thâm canh lúa chất lượng cao, gieo sạ, trồng rau màu an toàn theo quy trình VietGAP… Bên cạnh đó, để dần thay đổi tập quán canh tác của người dân, tỉnh đã và đang kêu gọi nhiều công ty, doanh nghiệp xây dựng các mô hình mẫu về việc sản xuất thân thiện với môi trường. Qua đó, xuất hiện các mô hình sử dụng vi sinh trong canh tác lúa ở Hợp tác xã Vĩnh Cường (huyện Hòa Bình); sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Phước Long của Công ty cổ phần nông sản Vinacam… Hầu hết các thửa ruộng này tuy cho năng suất không cao nhưng bù lại giá bán và thị trường đầu ra lại khá thuận lợi. Ông Lâm Thành Kiệt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông sản Vinacam, cho biết: “Thị trường thế giới hiện nay đang chuộng các sản phẩm sản xuất theo hướng vi sinh, hữu cơ, chính vì vậy tôi thấy đây là một hướng đi rất tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Hiện chúng tôi đang tiến hành trồng lúa hữu cơ trên đất lúa - tôm ở huyện Phước Long, nếu được công ty sẽ tiếp tục ký kết và mở rộng thêm diện tích canh tác để giúp bà con nông dân mình tăng thêm thu nhập, cũng như thay đổi dần phương thức sản xuất thân thiện với môi trường”.

Để tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai một số mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ, góp phần lấy lại độ phì nhiêu và tăng hàm lượng các chất khoáng cho đất, giảm thiểu các tác động đến môi trường; hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm... Qua đó, nhiều mô hình mới có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương được nhân rộng.

Trong chăn nuôi, các địa phương cũng tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường và bước đầu có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư; vận động người dân đầu tư xây dựng các mô hình như nuôi gà, heo an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải... Phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi, diệt khuẩn và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Trong nuôi trồng thủy sản, các trang trại nuôi lớn và các hộ ở những vùng nuôi thủy sản tập trung đã từng bước thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước; đẩy mạnh phát triển theo hướng ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ là việc làm dễ dàng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng cần tiếp tục chủ động khuyến khích và thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học về môi trường. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới để hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng, đẩy mạnh xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tái sử dụng. Tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất đối với các trang trại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đôn đốc các trang trại, gia trại thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.