Quốc tế

Vững vàng trong “sóng dữ”

Thứ Hai, 06/09/2021 | 15:42

Những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra khó có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Và trong mắt giới đầu tư nước ngoài, dải đất hình chữ S vẫn là điểm đến hấp dẫn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đó là những nhận định gần đây của truyền thông quốc tế về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam với nhiều tòa nhà cao tầng. Ảnh: Getty Images

Mắt xích quan trọng

Tờ The Economist của Anh nhận định, Việt Nam đã khiến thế giới phải nể phục trong việc kiểm soát dịch COVID-19 vào năm 2020. Ở thời điểm hiện tại, cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh và nỗ lực ứng phó bằng những biện pháp quyết liệt. Nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nhờ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng trong giai đoạn dịch bệnh. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 2,9% trong khi nền kinh tế hầu hết các nước đều bị suy thoái sâu. Bất chấp đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo có thể cao hơn trong năm 2021. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay. Những con số này đã thật sự gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế về nền kinh tế của Việt Nam.

Việc mở cửa với thương mại và đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và lâu dài của nền kinh tế. Trong 30 năm qua, Việt Nam là một trong 5 nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kết quả này có được là nhờ Việt Nam có một sự tăng trưởng ổn định. Dù Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

“Thỏi nam châm” hút FDI

Theo The Economist, kể từ năm 1990, Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trung bình trị giá tương đương 6% GDP mỗi năm, gấp hơn hai lần mức toàn cầu. Các nhà sản xuất toàn cầu quan tâm nhiều tới Việt Nam bởi chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định. Sputnik dẫn báo cáo đầu tư 2021 công bố hồi tháng 7 vừa qua của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, với việc thu hút 16 tỷ USD FDI trong năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên lọt tốp 20 nước thu hút nhiều FDI nhất thế giới. Cụ thể, Việt Nam xếp vị trí thứ 19, tăng 5 bậc so với năm 2019. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay.

Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư nước ngoài. Đây là đánh giá của The Australian Financial Review, nhật báo kinh tế hàng đầu ở Australia. Tờ báo này nhận định, trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã xuất sắc trong việc thu hút các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử, giày dép và quần áo. Chi phí lao động thấp, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy và thủ tục hành chính được đơn giản hóa là những yếu tố đã hấp dẫn được những tập đoàn lớn như: Samsung, Foxconn, Nike... Tạp chí kinh tế nổi tiếng Entrepreneur của Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự trong một bài viết gần đây. Theo Entrepreneur, Việt Nam đã thực hiện các chính sách linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do, điển hình là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA, đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một nghiên cứu mới đây về nền kinh tế Việt Nam, bà Phyllis Papadavid - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và cố vấn tại tổ chức tư vấn Asia House có trụ sở tại London (Anh), cho rằng Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế cũng như khả năng chống chịu trong các cuộc khủng hoảng, bao gồm đại dịch COVID-19 hiện nay. Chuyên gia kinh tế này nhận định, với vai trò quan trọng của FDI trong tăng trưởng kinh tế của đất nước, Việt Nam cần thúc đẩy thu hút FDI nhằm phục hồi kinh tế và tăng khả năng ứng phó với những cú sốc kinh tế.

Nguồn qdnd.vn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.