Thanh thiếu niên

Huyện Đông Hải: Hiệu quả từ liên kết phát triển kinh tế trong thanh niên

Thứ Hai, 04/11/2019 | 16:29

Nhờ được “thổi lửa” từ tinh thần khởi nghiệp và sự đồng hành hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hội mà nhiều thanh niên huyện Đông Hải đã liên kết xây dựng những mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Từ đó, đời sống không ngừng được cải thiện và từng bước phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Có một thực tiễn khách quan trong thời gian qua, đó là hoạt động phát triển kinh tế nhỏ lẻ, theo tập quán hộ gia đình của người dân nói chung và đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) nông thôn nói riêng đã dẫn đến tình trạng khó tiếp cận được khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, thiếu tương trợ nhau trong sản xuất, sản phẩm bán ra bị thương lái ép giá. Là người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng nông dân lại là người hưởng lợi ít nhất từ sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động hỗ trợ ĐV-TN trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ của các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện còn bị giới hạn bởi các nguồn lực, công cụ hỗ trợ. Để giải quyết vấn đề này, tổ chức Đoàn, Hội huyện Đông Hải đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thành lập tổ hợp tác (THT) phát triển kinh tế trong ĐV-TN cho hiệu quả kinh tế khá, từng bước vươn lên làm giàu.

Điển hình là THT nuôi cua đinh Quyết Tâm (xã An Trạch) đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận nuôi động vật hoang dã cho thành viên trong THT. Trong 9 tháng năm 2019, THT đã xuất bán 1.310kg cua đinh thịt, trung bình mỗi con có trọng lượng gần 3kg, giá dao động từ 480.000 - 500.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 700.000 - 1.000.000 đồng/con. Ước tính đến cuối năm nay, THT sẽ xuất thêm khoảng 400 con cua đinh thịt ra thị trường. THT nuôi cua đinh Quyết Tâm có 14 thành viên, 3 tháng tổ chức sinh hoạt một lần theo hình thức xoay vòng tại nhà các tổ viên. Nội dung sinh hoạt liên tục được đổi mới và phong phú. Ngoài ra, THT còn thành lập quỹ hùn vốn, mỗi thành viên đóng góp 300.000 đồng/quý. Mục đích của nguồn quỹ này là cho thành viên trong THT mượn xoay vòng để mua thức ăn cho cua đinh trong quá trình nuôi hoặc trang trải trong sinh hoạt gia đình. Nhờ sự hỗ trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau mà đời sống của các thành viên trong THT từng bước được cải thiện, nhiều gia đình có thêm điều kiện mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày.

Mô hình nuôi cua đinh của tổ hợp tác Quyết Tâm (xã An Trạch, huyện Đông Hải). Ảnh: H.L

Ngoài mô hình nuôi cua đinh, thì mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Long Điền Tây hiện nay của thanh niên, hội viên Hội Nông dân cũng đang phát triển tốt. Đơn cử là hộ anh Trần Đức Quí (ấp Bình Điền), anh Lê Văn Thiện (ấp Canh Điền)… Hay các mô hình cũng đạt hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi trăn ở xã Định Thành A; nuôi sò huyết và nuôi dê ở xã An Phúc; nuôi chim cút, gà thịt, ba ba ở xã Định Thành; nuôi vịt xiêm thương phẩm ở xã Long Điền Đông A.

Để đồng hành cùng hội viên, thanh niên trong phát triển kinh tế, thời gian qua các cấp bộ Đoàn, Hội huyện Đông Hải đã tổ chức cho ĐV-TN đi tham quan các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở các tỉnh khác, nhưng phù hợp với điều kiện ở địa phương để học tập kinh nghiệm. Đồng thời phối hợp với ngành hữu quan mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên, thanh niên.

Đông Hải là huyện còn nhiều khó khăn, việc sinh hoạt tổ chức Đoàn, Hội còn hạn chế, nhất là nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động, phong trào. Vì vậy, nhiều cách làm linh hoạt đã được Đoàn Thanh niên, Hội LHTN triển khai, trong đó mô hình THT thanh niên là một trong những sáng tạo mang lại hiệu quả cao, không chỉ tạo nguồn kinh phí hoạt động cho thanh niên, mà còn tập hợp được sức mạnh của ĐV-TN, góp phần xóa đói giảm nghèo trên chính quê hương mình.

NHẬT HẠ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.