Thanh thiếu niên

Ký ức không quên

Thứ Hai, 24/07/2017 | 16:13

Với những ai từng đi qua năm tháng chiến tranh ác liệt, tháng 7 về luôn gợi lại trong lòng mỗi người về quãng đời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết không thể nào quên.

Hội Cựu TNXP tỉnh tặng nhà đại đoàn kết cho cựu TNXP huyện Phước Long. Ảnh: Y.N

Với cô Thái Thị Liên (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) thì những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Đông là những ký ức thanh xuân đẹp nhất trong cuộc đời. Tham gia tuyển quân thanh niên xung phong (TNXP) Mai Thanh Thế đợt đầu tiên, xóm cô có 30 người thì hơn 2/3 là nữ. Hơn 6 tháng ròng rã hành quân gian khổ, cuối cùng cô cũng đến được chiến trường miền Đông. Trong tâm trí của cô vẫn mãi khắc sâu trận đánh Bù Đốp, bởi đây là trận địa lần đầu tiên cô tham gia tác chiến với mức độ rất ác liệt. Pháo đạn như mưa, quân giặc chết nhiều vô số kể, bộ đội ta cũng bị thương không ít. Không biết động lực nào thúc đẩy, cô Liên bò theo bộ đội vào bên trong hàng rào thép để cứu thương binh. Cuối cùng, cô Liên cũng đưa được anh thương binh ra ngoài. Hơn 9 năm gắn bó với chiến trường, bệnh tật, đói rét, hiểm nguy lúc nào cũng bủa vây, nhưng cô TNXP này vẫn lạc quan, yêu đời và hừng hực ngọn lửa cống hiến.

Những chàng trai, cô gái độ tuổi đôi mươi thoát ly gia đình theo cách mạng hay những người tạm gác tình cảm riêng tư “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”, sẽ chẳng là điều gì khác nếu không xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc và một tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Những điều đó là sức mạnh, là lý tưởng để bao lớp thanh niên sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi tình nguyện ra nơi đầu tuyến lửa, những thanh niên không ai nghĩ rằng mình còn cơ hội trở về bởi sự ác liệt của chiến tranh. Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm “dứt áo” ra đi “báo thù nhà, trả nợ nước”. Bởi họ hiểu được “thế nào là hạnh phúc của thanh niên”. Nó không còn là hạnh phúc riêng tư của mỗi cá nhân, mà được nâng lên một tầm cao hơn, vì lợi ích chung của cả dân tộc. Đó cũng là động lực, là sức mạnh để thanh niên hăng say chiến đấu không màng đến sự sống và cái chết.

Trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, những lời gửi gắm cho người yêu (cựu TNXP Nguyễn Thị Thu Vân trong đội 198) của người liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Trương Chính Thanh - một người con của đất Bạc Liêu - như một “huyết thư” thể hiện tinh thần “thép” của người chiến sĩ cách mạng: “Anh đi lần này không biết có về được không, chuyến đi nào cũng có người mất, người còn. Nếu anh hy sinh không thể cùng em tiếp tục chiến đấu thì em cũng đừng bao giờ gục ngã trước kẻ thù. Em phải kiên cường đi hết quãng đường còn lại, để khi chiến tranh kết thúc, chân em sẽ chạm đất Sài Gòn - Gia Định”. Anh cũng không quên nhắn nhủ cho người mẹ già ở quê nhà: “Hòa bình lập lại, em hãy tìm mẹ anh và nói với bà rằng, anh đã chết một cách kiên cường”. Không ngờ những lời dự cảm của anh cũng đã xảy ra. Anh ra đi khi chỉ mới bước sang tuổi 24 với đầy ắp hoài bão, ước mơ, những dự định sau ngày thống nhất đất nước. Hình ảnh chàng thanh niên với khẩu B40 bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt một số lính Mỹ trước khi ngã xuống đã trở nên bất tử và mãi là niềm tự hào của bao thế hệ TNXP.

Có lẽ không bút mực nào   diễn tả hết nỗi đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã gánh chịu trong hai cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại. Trên đất nước hình chữ S này, mỗi con người bước ra từ chiến tranh là một câu chuyện về lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, bất khuất… Và sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của những người cha, người mẹ, người vợ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người chồng, người con ưu tú. Có nỗi đau nào bằng khi một người mẹ hay tin con trai mình hy sinh, nhưng vẫn cố tỏ ra như không có chuyện gì vì đang ở trên vùng giặc tạm chiếm. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi người vợ buộc phải nuốt nước mắt vào lòng bình thản bước qua xác chồng và cương quyết không nhận người chiến sĩ cách mạng ấy là chồng mình để bảo vệ tổ chức; một đứa con gái đến 14 tuổi mới được gặp mặt cha mình lần đầu tiên và đó cũng là lần cuối cùng… Đó là một trong hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện về những nỗi đau mất mát trong chiến tranh không gì có thể bù đắp.

Xin được trích một đoạn trong tư liệu viết về tàu 156 (Huyền thoại đoàn tàu không số - Nhà xuất bản Hội Nhà văn) thay cho lời kết: “Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên họ, xin đừng quên những con người quả cảm như thế! Một ngàn lần xin đừng bao giờ quên cuộc chiến đấu vừa qua!”.

T.A

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.