Thanh thiếu niên

Sinh viên làm thêm:​ Được và mất

Thứ Sáu, 20/11/2020 | 15:49

Làm thêm để có thu nhập, để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hiện tại và tương lai là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của sinh viên (SV). Thế nhưng, việc làm thêm của SV không hoàn toàn là màu hồng, mà tồn tại không ít mặt tiêu cực.

NHỮNG LỢI ÍCH KHI ĐI LÀM THÊM

Với V.T, SV năm cuối của Trường đại học Bạc Liêu, việc làm thêm đơn thuần chỉ là để có thêm thu nhập. Ngoài giờ học, chàng trai trẻ quê Hồng Dân này làm nhân viên phục vụ cho một quán nhậu trên địa bàn Phường 2 (TP. Bạc Liêu). V.T chia sẻ: “Đi làm thêm giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cho việc học tập và nhu cầu cá nhân. Được xài tiền từ chính sức lao động của mình làm ra giúp tôi quý trọng đồng tiền hơn, cũng như giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho gia đình”.

Gia đình làm nghề nông, mấy năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc sản xuất kém hiệu quả, kinh tế khó khăn nên V.T quyết định đi làm thêm để có chi phí sinh hoạt cho năm học cuối. Được biết, công việc của V.T bắt đầu từ 17 giờ và kết thúc vào lúc 23 giờ, có những hôm về muộn hơn do đặc thù của quán nhậu còn khách thì vẫn phải phục vụ. Thu nhập của V.T là 1,7 triệu đồng/tháng.

Đối với SV, không phải ai cũng có điều kiện, chính vì thế mà nhiều SV đã chọn giải pháp đi làm thêm để cải thiện tài chính. Ngoài việc có thêm thu nhập, những công việc bán thời gian như: phục vụ, lễ tân, bán vé ở các khu vui chơi cho trẻ em, phát tờ rơi… còn giúp SV tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống hiện tại và tương lai, mở rộng quan hệ xã hội. 

Sinh viên làm thêm tại một quán cà phê trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh minh họa: H.T

KHÔNG HOÀN TOÀN LÀ MÀU HỒNG

Việc đi làm thêm đã mang lại rất nhiều lợi ích cho SV, tuy nhiên cũng có không ít mặt trái. Công việc ngoài xã hội không hề đơn giản như nhiều SV nghĩ, hay lãng mạn như trong phim mà các bạn trẻ thường được xem. Không ít trường hợp SV do thiếu hiểu biết, chân ướt chân ráo từ quê lên phố nên đã dễ dàng mắc phải trò lừa đảo, cạm bẫy. Vất vả đi làm thêm nhưng SV không được trả đúng mức lương theo thỏa thuận. Đã có không ít SV bị chủ tiệm, cửa hàng viện đủ lý do để trừ, giảm tiền lương như: đến trễ, làm không đạt yêu cầu, thậm chí còn lấy lý do tháng đầu tiên thử việc, thiếu kinh nghiệm để không phải trả lương. Có nơi thì công việc đòi hỏi cường độ làm việc khá cao, mà lương thì rất… SV! Chưa dừng lại ở đó, khi quyết định đi làm thêm, đồng nghĩa với việc quỹ thời gian học tập của SV sẽ ít hơn, nếu không biết sắp xếp hợp lý, cân bằng sẽ dẫn đến tình trạng xao nhãng việc học, vì vậy kết quả học tập đi xuống. Nhưng cái nguy hiểm nhất chính là những mối hiểm họa bên ngoài xã hội mà không phải SV nào cũng biết được hoặc biết nhưng khó có thể tránh - những cám dỗ vật chất! Nó có thể làm cho SV tự đưa chân mình vào lưới, dính vào các tệ nạn xã hội, rồi trượt dốc dài theo các cuộc ăn chơi.

Đi làm thêm để tập cho mình lối sống độc lập, trang bị những kỹ năng mềm cần thiết là cách nghĩ đúng đắn của SV. Thế nhưng, các bạn cần phải cân bằng được thời gian học tập và đi làm để đảm bảo việc đi làm thêm không ảnh hưởng đến kết quả học tập. Đặc biệt, khi quyết định đi làm thêm, SV nên chọn những công việc phù hợp với khả năng, thời gian của mình, bởi không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao. Một vấn đề khác nữa là khi đi làm thêm, SV cần phải có bản lĩnh để không bị lôi kéo, sa ngã bởi những vật chất tầm thường. Tuổi trẻ có quyền sai, nhưng có những cái sai để lại nhiều hệ lụy, không thể nào xóa sạch được.

NHẬT HẠ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.