Trong nước

Giải pháp ứng phó hạn, mặn mùa khô năm 2024

Thứ Bảy, 30/03/2024 | 15:27

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đang trải qua một mùa hạn mặn khốc liệt. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 đã đến sớm và lớn hơn so với trung bình nhiều năm.

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, hạn mặn, xâm nhập mặn đã gây ra nhiều tác động tới cuộc sống của người dân khu vực ven biển như thiếu nước ngọt sinh hoạt, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, sạt lở kênh đê, đường sá. Theo dự báo, hạn nặm năm nay có thể gây thiệt hại cho vùng ĐBSCL khoảng trên 70.000 tỷ đồng.

“Xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm và xâm nhập vào sâu trong nội đồng. Đợt hạn mặn từ ngày 8 - 13/3 với ranh mặn 4‰ vào sâu từ 40 - 50 km, có nơi sâu hơn, ranh mặn 1‰ tại Tiền Giang có nơi xâm nhập sâu vào đến 70km. Tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính ở Bến Tre từ ngày 18 - 19/3 đã tăng trở lại cho đến thời điểm hiện tại. Mức độ xâm nhập mặn ở Tiền Giang, Bến Tre hiện cao hơn năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Tại Bến Tre, độ mặn 1‰ đã xâm nhập tại Cửa Đại là 69km, sông Hàm Luông là 72km, sông Cổ Chiên là 58km. Tại Tiền Giang, độ mặn xâm nhập sâu đo được cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, tại trạm Mỹ Tho thời điểm mặn vừa rồi chúng tôi đo được đến 6,8‰, trong khi năm 2015 - 2016 chỉ mới có 3,9‰, chứng tỏ hàm lượng, độ mặn rất lớn”, ông Lê Ngọc Quyền chia sẻ.

Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL đã nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ ra, việc phát triển vùng phải tôn trọng quy luật tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng vấn đề hạn mặn cần được xác định là thuộc tính đặc thù của vùng ĐBSCL và năm nào cũng sẽ xảy ra tùy từng mức độ khác nhau; đồng thời đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp kiểm soát hạn mặn, tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Internet

“Chúng ta cần quan tâm nhất chính là công tác dự báo. Nếu dự báo tốt thì sẽ bảo đảm được sản xuất, né được hạn mặn và các thiệt hại. Ví dụ như năm nay, Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo xuống giống cơ bản tại ĐBSCL trước ngày 31/12/2023 để bảo đảm được việc né hạn mặn. Việc này đến nay đã thành công. Thứ hai là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phù hợp với điều kiện tự nhiên. Bên cạnh đó sẽ đầu tư các công trình để hỗ trợ kiểm soát nguồn nước phục vụ cho các nhu cầu chuyển đổi.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng các sổ tay hướng dẫn tích trữ nước trong điều kiện hạn mặn để người dân chủ động, đặc biệt đối với các vùng cây ăn trái. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng một app sử dụng trên điện thoại để có thể biết được các điểm hạn mặn, độ mặn trên các sông, các dự báo trên từng khu vực sản xuất, phục vụ người dân trong quá trình sản xuất, canh tác”, ông Trần Bá Hoằng nói.

Ngoài các nhóm giải pháp trên, ông Hoằng cũng cho biết, trong giai đoạn 2021- 2025, Bộ NN&PTNT cũng có Dự án đầu tư cấp nước cho 7 tỉnh tại ĐBSCL (gồm 6 tỉnh ven biển và Đồng Tháp) với tổng mức đầu tư từ vốn ngân sách của Bộ là gần 1.000 tỷ đồng và từ các địa phương khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu cấp nước cho khoảng 132.000 hộ dân để giải quyết bài toán về việc thiếu nước tại khu vực.

Theo chinhphu.vn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.