Tùy bút - Tản văn

Cao lương

Thứ Hai, 18/01/2016 | 16:59

Mấy đêm trước, sau khi xem hội diễn văn nghệ quần chúng từ rạp Cao Văn Lầu về, chúng tôi vẫn ghé ở khu chợ đêm bên đây dốc cầu quay uống nước mía trước khi chia tay. Mấy ly nước mía mà đôi khi, 2 - 3 đứa hùn tiền lại mới đủ trả. Lúc đó, nhỏ quen chúng tôi nhờ người bạn cùng học sư phạm về dạy ở trường ngang cơ quan chúng tôi. Dạo ấy, chi đoàn cơ quan chúng tôi có phong trào hoạt động văn - thể - mỹ rất sôi nổi. Vào dịp lễ, tết hoặc kết thúc một khóa học, chi đoàn thường tổ chức chương trình văn nghệ liên hoan.

Ảnh minh họa

Những tiết mục văn nghệ hầu hết do đoàn viên - thanh niên trong cơ quan tự sáng tác và dàn dựng. Cái hay là chúng tôi dựng một chương trình văn nghệ có nhiều thể loại, màu sắc. Hoàn cảnh lúc đó, tuy hạn hẹp về phông màn, cảnh trí, trang phục hay đèn màu… nhưng mọi người đều say mê, nhiệt tình, thể hiện hết khả năng bằng tình cảm chân thành với lòng đam mê nghệ thuật. Từng thời điểm, chúng tôi gắn nội dung tiết mục với thời sự đang diễn ra. Khi sản xuất vụ mùa, khi tuyển quân, khi bầu cử Quốc hội… Tuy đơn sơ, thiếu kém nhưng chương trình văn nghệ do chi đoàn chủ xướng vẫn rôm rả, hào hứng, được nhiều người yêu thích.

Những đêm tập dượt chương trình là những đêm vui. Nhiều bạn bè quen thân ở các cơ quan gần đó cũng đến chung vui. Ngày đó, chúng tôi chỉ có vài nhạc cụ cũ kỹ và nước trà để tiếp đãi nhau thôi nhưng niềm vui dường như không bao giờ muốn dừng lại. Đêm tổng duyệt sau cùng, nhỏ - nhân vật được nhắc đến từ đầu - tìm tôi và đưa vài tấm giấy viết tay, nhỏ nói: “Em xem chương trình văn nghệ của cơ quan anh lần này rồi, nói chung là rất hay, gọn gàng mà chất lượng nữa. Em viết thử mấy lời giới thiệu cho các tiết mục theo chương trình dàn dựng để thêm phần hấp dẫn. Với lại để người xem có thêm cảm xúc khi thưởng thức tiết mục, anh xem thử có dùng được không”…

Với tôi, đây là điều bất ngờ. Chúng tôi đã quen biết nhau lâu rồi và tôi cũng biết nhỏ ca vọng cổ thiệt mùi. Nhỏ ca hay nhất là bài "Hoa mua trắng" của soạn giả Ngự Bình. Tôi chăm chú đọc kỹ những đoạn nhỏ viết lời dẫn, giới thiệu cho từng tiết mục văn nghệ trong chương trình. Những đoạn văn khiến tôi nhớ những ngày mình còn học phổ thông cách đó vài năm. Những lần lớp tôi tổ chức văn nghệ hoặc góp chương trình với trường nhân ngày khai trường hay dịp nghỉ hè, tết… tôi thường được lớp phân công làm công việc này. Viết lời giới thiệu không khó nhưng cần cảm xúc và dẫn dắt người xem đến với nội dung của tiết mục hứng khởi hơn. Những đoạn văn ngắn chứng tỏ nhỏ đã từng làm công việc này một cách thuần thục và thành công.

Xem xong, tôi đưa nhỏ xấp giấy tôi viết, tôi nói, tôi đã chuẩn bị rồi, kêu nhỏ xem, lựa phần của ai viết hay hơn thì dùng, cũng có thể ghép lại cho nó phong phú hơn, càng tốt. Nhỏ có vẻ hơi bất ngờ, nhận xấp giấy từ tay tôi và ngồi xuống ngay băng ghế đọc thật lâu. Sau cùng, nhỏ nói: “Anh viết đã đầy đủ, súc tích hơn của em viết nhiều, dùng phần của anh viết, hay hơn. Em tưởng anh không chuẩn bị, em muốn góp thêm chút ít làm vui vậy mà!...”. Qua đó, chúng tôi càng thân nhau hơn. Mỗi khi tỉnh tổ chức biểu diễn văn nghệ, cải lương hay chiếu phim, nhỏ tìm đâu đó giấy mời, rủ chúng tôi cùng đi. 

***

Đêm nay, sau khi xem hội diễn văn nghệ quần chúng từ rạp Cao Văn Lầu về, nhỏ kêu đừng uống nước mía nữa và rủ các bạn cùng về cơ quan để nhỏ đãi món đặc biệt nhỏ chuẩn bị từ lâu rồi. Đứa nào cũng háo hức về món ăn đặc biệt của nhỏ. Cơ quan của nhỏ gần bờ kênh xáng Bạc Liêu. Chúng tôi lên sân thượng của cơ quan, dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn tròn đo đỏ. Xa xa, những ngọn đèn đường cũng đo đỏ nhìn xuống mặt đường đã vắng người qua lại. Làn gió từ bờ kênh xáng thi thoảng thổi lên, cái lành lạnh trong không gian đất trời vào đông lặng lẽ mà rộn ràng không khí của những ngày gần đến tết Nguyên đán làm nôn nao, xao xuyến điều gì đó thầm lặng trong lòng.

Nhỏ mang lên món chè cao lương trong niềm vui háo hức của bạn bè. Những chén được múc ra, đặc quánh, thơm thơm hương nước cốt dừa mà từ khá lâu tôi chưa có dịp về nhà nên chưa được thưởng thức hương thơm nơi quê nhà quen thuộc đó. Trong lúc bạn bè cùng thưởng thức món chè bất ngờ và thơm ngon, nhỏ kể: “Tuần trước, ba từ Cà Mau lên thăm, mang theo nhiều quà quê, trong đó có mấy trái dừa khô. Mình nghĩ đến món chè, và để lại phần cao lương, để lại phần đường cát trong chế độ bách hóa hàng tháng và mua thêm bột củ năng nữa để thực hiện món chè đủ nghĩa và thơm ngon này. Tiền thì chẳng tốn kém gì, có điều, nước cốt dừa mang hương vị của quê mình và, cao lương phải ngâm cả ngày mới nấu được đó, chớ bộ…”. Một đứa bạn đang múc chè cho tôi, nhỏ đỡ tay, giành múc, nói vui: “Có chị, anh của em không thiệt thòi gì đâu mà em lo”…

Mấy mươi năm trôi qua, lớp bạn bè xưa tứ tán khắp nơi trên vạn nẻo đường đời. Nhiều người thành đạt, cũng có bạn ngộ cảnh khó khăn, nhiều bất trắc nhưng tất cả đều đã đi qua những khúc quanh đầy biến động của cuộc đời mình. Mấy mươi năm rồi, không biết bao nhiêu lần ăn món chè cao lương đây đó trong cuộc đời, tôi vẫn không thể quên, chén chè cao lương năm nào, đơn sơ là vậy mà trong hoàn cảnh đó, thật khó lòng để có được. Trong một đêm, thuở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn ấy, nhỏ đã mang đến cho bạn bè chút ấm nóng giữa làn gió lành lạnh của một mùa đông không thể nào quên.

Cứ mỗi lần nghe nghệ sĩ Phượng Liên ca bài "Hoa mua trắng" của soạn giả Ngự Bình, tôi lại nhớ đến nhỏ. Nhớ nhỏ, tôi lại nhớ chén chè cao lương nhỏ nấu đã vài mươi năm trước mà hương vị ấy còn thơm ngọt đến tận bây giờ. Có lẽ, hạnh phúc nào, dù nhỏ nhoi đến đâu cũng cần phải chắt chiu và giữ gìn mới có được trong đời. Có điều không biết, bây giờ, nhỏ ở đâu…

Tháng một, hai ngàn mười sáu

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.