Tùy bút - Tản văn

Tình quê

Thứ Hai, 02/05/2016 | 16:40

Từ lúc dời đến nơi ở mới, mỗi lần có dịp ngang xóm cũ, chị Tư cũng đều ghé lại nhìn miếng đất của mình. Nhưng mấy hôm nay, 3 mẹ con chị Tư về xóm cũ vì đã tới mùa sậy trổ bông. Chiều, mặt trời nghiêng về phía bên kia, trong chòm sậy bịt khù, tiếng nói cười của mẹ con chị Tư vẫn rôm rả. Từ sáng sớm, mấy mẹ con, đứa nhỏ khoảng 9 tuổi, đứa lớn khoảng 15 tuổi theo chị Tư càn vô đám sậy dọc hai bên đường vành đai đang xây dựng. Cứ vậy mà lùng miết trong đó tới 2 - 3 giờ chiều. Họ chỉ mang theo nồi khoai luộc, can nước uống, đội nón lá, quấn khăn rằn vào cổ là đi.

Chỉ có 3 mẹ con mà tiếng nói cười dường như không ngớt. Là chuyện của người này, người kia trong xóm cũ, xóm mới. Chuyện của nhân vật trong những tập phim trên vô tuyến truyền hình đêm qua, thi thoảng mới có chuyện cơm gạo hàng ngày. Vành đai đang được xây dựng, khoảnh đất hai bên vành đai, nhà nhà đã dời vào khu tái định cư, đất bỏ trống, sậy mọc um tùm. Mùa này, những bông sậy trăng trắng, mịn màng dày kín khoảng không gian. Thi thoảng, luồng gió thổi qua, bông sậy trắng như những ngọn sóng bạc đầu dập dềnh giữa lưng chừng vùng quê xưa vắng lặng.

Vài năm trước, khi xóm nhà, vườn ruộng sung túc còn cặp hai bờ con kênh nhỏ, gia đình chị Tư cũng thuộc hộ nghèo, tối ngày lặn ngụp dọc bờ sông, bằng nhiều cách, sống nhờ vào con lươn, con cá bắt được hàng ngày. Có tiền mua gạo, mua gia vị, có cá ăn mà chẳng phải làm thuê, làm mướn đâu xa. Sau ngày hai đầu con kênh lấp kín, cá, lươn cạn dần, chỉ đủ thức ăn cho hai bữa cơm. Tiền xài phải đi phụ việc cho các quán xá ngoài đầu ngõ, là nhà của những người quen trong xóm cũ. Nhìn rau cải, cây trái trong vườn chết lần chết hồi do nắng hạn kéo dài, thêm nước mặn ngấm vào mấy năm nay, tự dưng chị Tư cảm nhận sức sống của vùng quê quen thuộc ngày nào đã dần khép lại. Nhất là khi những ngôi nhà trong xóm dời dần về xóm mới, xóm nhỏ bỗng xơ rơ như tổ chim bỏ tổ.

Chị Tư và con Thắm - đứa con gái lớn quen với công việc này mấy năm trước nên làm thuần thục, liền tay. Đứa con gái út đứng chưa tới ngọn sậy nên chỉ phụ hợ cho vui. Nó lấy chân đạp những gốc sậy, khi những cây sậy nghiêng xuống, nó lần theo ngọn mà tước. Nó cũng biết chọn những bông sậy dài, không gãy đọt, chưa khô mà tước. Xế chiều, khi công việc đã xong, nó quẹt hai bàn tay vô vạt áo rồi nhìn những đường trầy xước rát rạt, tủm tỉm cười. Được một quãng, chị Tư hay con Thắm quay lại, gom mớ bông sậy chất từng cụm mang ra lề đường. Đến xế, đi ngược đoạn đường gom hết bông sậy về một chỗ, nơi có người mang xe lôi đến cân ký, tính tiền.

Ba mẹ con chị Tư quần thảo cả ngày trong lùm, trong bụi gom lại được vài chục ký lô. Khi đến cân, người thu mua lựa lại một lần nữa, loại bỏ những bông ngắn, bông gãy hoặc đã khô đen. Số để lại bữa nào cũng vài ba ký. Số cân được, mỗi ký 2 ngàn đồng, có bữa 2 ngàn rưỡi một ký nhưng chưa có bữa nào chung lại được hơn 100 ngàn đồng. Đứa nhỏ tước được ít, phần nào người thu mua loại ra, mẹ và chế Thắm giả đò đổ lỗi cho con Thía, đứa con gái út. Thía cũng cười, cúi nhìn hai bàn tay ửng hồng sau một ngày tước bông sậy.

Số tiền ít ỏi vừa nhận được, chị Tư cuộn tròn nắm trong lòng bàn tay, tay kia quơ quơ chiếc nón lá cũ tìm chút gió giữa khung trời oi bức. Chị nói: “Dễ ăn đâu!”, rồi cười hề hề. Người thu mua tỏ vẻ thông cảm, nói anh là một trong nhiều người thu gom bông sậy ở nhiều chỗ, kể cả từ các huyện nữa. Buổi chiều mang đến vựa, người ta lựa lần nữa, mới cân. Nhiều ngày, đủ lượng cho một chuyến ghe, người ta chở về miệt nào đó, xa lắm. Đó là chưa nói đến nhiều công đoạn gia công nữa mới hình thành cây chổi bông sậy mình mua về xài. Mớ bông sậy này đi biệt xứ, khi thành cây chổi có thể lại hồi hương, về tới đây nữa hổng chừng, sao biết được? “Bông sậy mà nói chuyện in như người ta…”, chị Tư mỉm cười, nói. Lúc mới nhú lên khỏi mặt đất từ bụi bờ nào không biết, lớn lên, khi tóc trắng lại đi biệt tăm, và rồi có lúc lại quay về. Coi vậy mà cũng truân chuyên. Có điều, khi trở về đã thành phẩm, có tên có tuổi, giá trị hơn nhiều!

Mùa thu hoạch bông sậy diễn ra chỉ tròm trèm 1 tháng. Trước, trong xóm có chục người đi tước bông sậy lúc vào mùa. Nay chỉ có 3 mẹ con chị Tư, về làm vì nhớ công việc đã thành thói quen chớ không hẳn vì nhu cầu bức bách kiếm tiền. Tiền công ít ỏi, mùa lại ngắn nhưng năm nay chị thoáng chút buồn buồn, nhìn đám sậy chị nghĩ, có khi là mùa bông sậy cuối cùng của chị cũng nên. Số tiền thu nhập ít ỏi, thời gian làm ngắn ngủi chính là lời nhắc nhở chị, cuộc sống đã ngày càng khó hơn. Những cách gia đình chị sinh sống hàng ngày xưa nay, quanh quẩn nơi vùng đất khô cằn, phèn chua lại còn nhiễm mặn đã không còn như trước nữa. Mọi thứ đều trôi qua, tồn tại theo cách riêng của nó, không thể nào cưỡng lại được trước thời gian.

Nền nhà tái định cư được nhận, chị Tư cất nhà đã lâu, chỉ vì chưa thích nghi nơi ở mới, nên buồn. Cũng bởi căn nhà gọn lỏn, không tấc đất trống. Chị nhớ bờ sậy sau hậu vườn, nhớ con mương nhỏ bên đầu song nhà - nơi chiếc xuồng ngày xưa vẫn đậu đó dưới cái rạp lợp lá dừa lưa thưa bóng nắng. Nhớ giàn mướp, liếp đậu bắp, dây dưa leo, cây cà, trái ớt… nên vật sau cùng chị Tư mang đi lúc dời nhà là cái chậu kiểng mua mấy năm trước vào dịp tết. Chị Tư đổ đầy đất vô chậu, bứng cây ớt chỉ thiên trồng vào đó, mang theo. Có người hỏi, chị Tư nói: “Chỉ là một nắm đất, nhiều nhỏ gì, chỉ vì sợ lỡ sau này nhớ đất, nhớ làng quê!”.        

Tạp văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.