Vấn đề bạn đọc quan tâm

Cảnh báo tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí ngày càng tăng

Thứ Hai, 14/08/2023 | 16:41

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nói chung, TP. Bạc Liêu nói riêng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí để “nói chuyện” ngày càng nhiều. Dù việc xử lý của các cơ quan chức năng luôn vô cùng nghiêm khắc, những hình phạt tù cho các hành vi này cũng mang tính răn đe cao, nhưng nhiều thanh niên vẫn chưa biết sợ. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Lực lượng Công an khống chế đối tượng dùng hung khí gây rối trật tự khu vực trung tâm TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.V

Điển hình là vụ việc gây xôn xao dư luận xảy ra ngày 11/8 trên địa bàn Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Đối tượng Nguyễn Trọng Thịnh (sinh năm 1985, ngụ quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) có hành vi gây rối tại một cơ sở tập gym, sau đó khi bị di lý về trụ sở Công an Phường 1 còn tiếp tục có hành vi chống đối, bỏ chạy. Khi bị truy bắt thì dùng hung khí (cây xôm gạo bằng inox) đâm làm bị thương 3 đồng chí công an. Ở giai đoạn truy bắt đối tượng bỏ chạy trên đường Ngô Gia Tự (Phường 3), các lực lượng phải phối hợp vây bắt vì đối tượng dùng nhiều hung khí chống đối.

Mới đây nhất, tại một quán nhậu trên đường Võ Văn Kiệt (Phường 1), một đối tượng dùng dao rượt người khác và đâm nạn nhân tử vong dù trước đó không có mâu thuẫn lớn. Thói quen thích dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo trong giới trẻ hiện nay. Nhiều vụ án, hung thủ khi bị bắt và trong quá trình lấy lời khai, khi được hỏi hung khí từ đâu mà có thì các đối tượng đều trả lời là hung khí (dao, kiếm, mã tấu…) được để, giấu sẵn trong nhà, trong cốp xe để phòng thân. Nhưng phòng thân đâu không thấy, chỉ thấy những vật này trở thành hung khí gây án, thậm chí là những án mạng chết người, còn chủ nhân của chúng trở thành hung thủ, phải gánh chịu những hình phạt do hành vi của mình gây ra.

Ở góc độ tội phạm học, có nhiều lý do để các đối tượng trẻ tuổi thích sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, trong đó tâm lý thích thể hiện mình, cộng với sự lệch lạc trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ, cùng với sự lan truyền tốc độ của các mạng xã hội, game có khuynh hướng bạo lực… đã tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách của thanh thiếu niên. Nhất là hiện nay, nhiều gia đình không quan tâm đến con cái, bỏ mặc dẫn đến các em muốn làm gì thì làm. Điển hình như trường hợp đối tượng Nguyễn Tuấn Kiệt (19 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) bị cơ quan chức năng khởi tố, điều tra về hành vi “Giết người”. Đối tượng dùng kiếm (đặt mua trên mạng) chém chết một người trong khi không có mâu thuẫn gì với nhau. Tại nhà của đối tượng, lực lượng Công an còn phát hiện thêm nhiều hung khí khác. Đáng nói hơn, người nhà của đối tượng còn tỏ rõ việc bao che cho con em mình. Khi được hỏi có biết con trai đặt mua hung khí trên mạng cất giấu ở nhà hay không, mẹ của đối tượng còn biện minh cho con, là có biết nhưng con nói chỉ mua về để sưu tầm nên cũng không quan tâm.

Từ đầu năm đến nay, Tòa án nhân dân 2 cấp trong tỉnh đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người, mà bị cáo đều sử dụng hung khí nguy hiểm để gây án. Các mâu thuẫn hết sức nhỏ nhặt, nhưng tính chất và cách hành xử, giải quyết mâu thuẫn lại hết sức tiêu cực. Nhiều đối tượng hăng máu đến mức khó lý giải, khi đuổi cùng, chém người bất chấp hậu quả.

Thiết nghĩ đã đến lúc không chỉ là câu chuyện đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an hay các cơ quan chức năng; mà cần sự phối hợp từ nhiều ngành, của toàn xã hội. Mà vai trò quan trọng vẫn là gia đình, nơi gần gũi với thanh thiếu niên nhất, bên cạnh đó là nhà trường với các hoạt động giáo dục công dân từ cấp tiểu học, trung học cơ sở. Đừng để đến khi các em bị ra ngoài xã hội mới tăng cường giáo dục, e là đã muộn màng.

KIM TUẤN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.