18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 - 2018: Những kết quả ấn tượng!

Thứ Hai, 15/10/2018 | 16:17

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) giai đoạn 2000 - 2018 trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả khá ấn tượng. Những kết quả này đã tác động tích cực đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí… và dần tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong tiến độ phát triển, nhất là khu vực nông thôn và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Có thể nói, nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thật chi tiết, cụ thể nên nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào được nâng lên. Người dân càng ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc góp phần củng cố, nâng cao chất lượng và giữ gìn danh hiệu gia đình văn hóa; khóm, ấp văn hóa; xã văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị. Qua đó đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Ban chỉ đạo các cấp đã rất quyết tâm, nỗ lực và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đạt và vượt nhiều tiêu chí quan trọng. Trong đó, phải kể đến những hoạt động điển hình như: xây dựng “người tốt - việc tốt”, “gia đình văn hóa”, “khóm, ấp văn hóa”, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, lễ tang, lễ hội; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở…

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương (thứ 2 từ trái qua) cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thị sát ấp văn hóa nông thôn mới Bình Tốt A (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long). Ảnh: Đ.K.C


Theo đó, việc xây dựng “người tốt - việc tốt” được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, xem đây là phong trào trọng tâm góp phần tích cực vào việc hình thành nhân cách trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc. Đơn cử như hộ bà Quách Kim Tuyến (khóm 4, phường 2, TP. Bạc Liêu) là gia đình có truyền thống cách mạng, luôn đoàn kết, tương trợ bà con chòm xóm, sống nghĩa tình, con cháu hiếu thuận và tích cực tham gia công tác từ thiện địa phương. Hay hộ ông Trần Danh (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) là gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc nhiều năm liền, nuôi dạy con cháu học hành thành đạt và tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Gia đình của ông Trần Hữu Phương, ông Phạm Trung Dũng, ông Trần Văn Nhạn, bà Hồ Thị Dung… cũng là những gương sáng điển hình về gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc nhiều năm liền toàn tỉnh. 
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội ngày càng đi vào chiều sâu. Theo đó, toàn tỉnh hiện có hơn 190.000 gia đình văn hóa (chiếm 95,4% số hộ gia đình toàn tỉnh). Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, văn hóa hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững: “Nuôi tôm cua kết hợp với trồng lúa”, “Nuôi heo rừng”, “Trồng dưa hấu trên đất ruộng”, “Cụm gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Hiến đất xây dựng nhà văn hóa”…
Phong trào xây dựng khóm, ấp văn hóa, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng phát huy những hiệu ứng tích cực. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 516/518 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa; 366/518 khóm, ấp được UBND tỉnh khen thưởng danh hiệu khóm, ấp giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền; 19/49 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng khu dân cư tiên tiến và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc, góp phần tạo nên sức mạnh nội lực làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn cả về văn hóa, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh…
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới, lễ tang, lễ hội cũng được người dân đồng tình hưởng ứng và được cụ thể hóa trong quy ước hoạt động của khu dân cư tạo nên chuyển biến tích cực, đầy văn minh trong tổ chức các hoạt động này.
Phong trào xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, văn hóa - văn nghệ, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển. Tỉnh đã chi trên 139 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, trang bị cho các thiết chế văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 21/49 trung tâm văn hóa - thể thao xã đủ các phòng chức năng, 334/452 nhà văn hóa ấp làm nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… cho bà con địa phương.
Dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân thì thời gian tới cần làm tốt công tác phối hợp, tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành; làm mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để thu hút người dân cộng đồng dân cư; lồng ghép tốt việc xây dựng gia đình văn hóa, khóm, ấp văn hóa với các phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của Ban chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo sự thống nhất về mặt lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả trong cộng đồng dân cư…
Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.