Bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật Khmer: Nhiều kỳ vọng mới

Thứ Sáu, 29/06/2018 | 15:11

Thực hiện việc tinh gọn bộ máy ngành VH-TT&DL, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu và Đoàn cải lương Cao Văn Lầu đã được sáp nhập vào Nhà hát Cao Văn Lầu. Với những điều kiện thuận lợi từ môi trường mới, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu được đặt nhiều kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật Khmer ở Bạc Liêu.

Những năm qua, UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL luôn ưu tiên nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu là đơn vị được giao trọng trách giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống Khmer trong đời sống cộng đồng. Tuy được quan tâm đầu tư, song hoạt động của đoàn vẫn còn khó khăn về nhiều mặt, nhất là việc biểu diễn phục vụ vùng có đông đồng bào dân tộc.
Tháng 8/2017, đoàn chính thức được ghép vào Nhà hát Cao Văn Lầu, mở ra “cánh cửa” mới để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật Khmer ở Bạc Liêu. Việc sáp nhập đã tạo được sự đồng thuận, phấn khởi trong cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị. Từ môi trường làm việc có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đã giúp đoàn có thêm động lực, điều kiện thuận lợi để lao động, sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ vậy, các nghệ sĩ, diễn viên Khmer còn được các đoàn nghệ thuật trực thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu hỗ trợ về nhân lực, vật lực giúp quá trình biểu diễn đạt hiệu quả cao hơn. 

Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu biểu diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T 

Nghệ sĩ Thạch Thiệu chia sẻ: “Dưới “mái nhà chung”, anh em nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật trực thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu có nhiều cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao kỹ thuật biểu diễn. Mặc dù chức năng và nhiệm vụ không thay đổi nhiều, nhưng chất lượng, sự chuyên nghiệp trong hoạt động của đoàn được nâng lên đáng kể. Đặc biệt là các chương trình nghệ thuật phục vụ cơ sở được đầu tư công phu hơn đã mang đến cho đồng bào Khmer những “món ăn tinh thần” hấp dẫn và đa dạng”.
Sau gần một năm sáp nhập, hoạt động của đoàn đã cho kết quả bước đầu phấn khởi. Đoàn được UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đặt nhiều kỳ vọng sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đoàn đang trong quá trình xây dựng nội dung, tập luyện chương trình nghệ thuật phục vụ vùng có đông đồng bào dân tộc năm 2018 - 2019. Cụ thể là xây dựng 3 chương trình ca, múa và 1 vở dù kê xoay quanh các chủ đề: ngày hội phum sóc, đồng bào Khmer chung sức xây dựng nông thôn mới, phum sóc Bạc Liêu hôm nay… 
“Sở VH-TT&DL sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật nhằm khai thác giá trị của Nhà hát Cao Văn Lầu. Theo đó, tạo “đất diễn” nhiều hơn để các loại hình nghệ thuật Khmer chứng tỏ sức hấp dẫn, độc đáo riêng và chinh phục nhiều đối tượng khán giả. Đây sẽ là một trong những điểm sáng để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, thạc sĩ - nhạc sĩ Thạch Mô Ly, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, cho biết.
Sau khi ổn định bộ máy, đoàn sẽ bắt tay thực hiện công tác đào tạo kỹ thuật biểu diễn, kỹ năng sáng tác cho đội ngũ nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên Khmer. Đồng thời đề xuất với Sở VH-TT&DL tổ chức các liên hoan nhạc cụ dân tộc, hội thi giọng hát hay người Khmer… nhằm tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới để chăm bồi, hình thành đội ngũ kế thừa cho nghệ thuật dân tộc Khmer. Đặc biệt là tăng cường hoạt động biểu diễn phục vụ cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của vùng có đông đồng bào dân tộc; góp phần đưa các loại hình nghệ thuật Khmer truyền thống lan tỏa sức sống trong đời sống hiện đại.
TRỊNH HỮU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.