Chống dịch bằng “Tinh thần Việt Nam”!

Thứ Sáu, 03/04/2020 | 17:49

“Tôi yêu Việt Nam trong cuộc chiến với đại dịch toàn cầu đang hết sức khốc liệt này”. Đại từ danh xưng “Tôi” mà tác giả đang dùng không phải để chỉ bản thân, mà là đại diện những người Việt Nam - đại đa số những người Việt trên khắp hành tinh này - bày tỏ tình yêu với Tổ quốc. Một tinh thần Việt Nam đem ra chống “giặc” toàn cầu - dịch COVID-19 đã làm xúc động triệu triệu con tim Việt Nam!

Đoàn viên tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 cho tiểu thương xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T

Bình tĩnh, kiên cường “chiến đấu”

Việt Nam tuyên bố từ rất sớm rằng chúng ta “chống dịch như chống giặc”. Không tiếng súng, không đạn nổ bom rơi nhưng “cuộc chiến” này trên toàn cầu quả thật tàn khốc! Trong một chương trình thời sự của VTV1, biên tập viên nhắc một dòng trạng thái mà cư dân mạng đang truyền cho nhau trong mùa đại dịch “Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần!”, với tình hình đại dịch đang bùng phát cả trái đất như hiện nay, vị biên tập viên xin được đổi lại là “Hãy đứng yên khi Mẹ trái đất cần!”. Vâng, “cuộc chiến” này tàn khốc không riêng ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào, mà nó đang gieo rắc nỗi kinh hoàng, nỗi lo sợ trên phạm vi toàn thế giới (trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ). Mẹ Trái đất đang oằn mình trong cơn đại dịch phải nói là chưa từng có trong lịch sử! Khi tác giả viết bài này, con số bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên phạm vi toàn cầu đã ở mức trên 1 triệu ca, hơn 54.000 người tử vong; Việt Nam đã ở ngưỡng trên 230 người, và chắc chắn là những con số đó chưa dừng lại!

Nếu Việt Nam “chống dịch như chống giặc”, chống dịch bằng “tinh thần Việt Nam”, tất sẽ thắng lợi, dù cho có gian nan, nguy khốn đến đâu, có tổn thất đến nhường nào đi nữa! Bởi lịch sử đã chứng minh rồi, mấy ngàn năm chống giặc dài đăng đẵng là thế, mất mát hy sinh bao nhiêu xương máu, hứng chịu bấy nhiêu nỗi đau là thế mà Việt Nam vẫn bình tĩnh, kiên cường, chiến đấu bền bỉ và chiến thắng vẻ vang!

Khi tôi gõ những dòng chữ này, Việt Nam chưa có ca tử vong do COVID-19, đó cũng là một thắng lợi lớn! Vâng, vì đó là nhờ tinh thần quyết tâm cao, “tính mệnh của người dân lên trên hết ”, cứu chữa hết sức mình của những người y, bác sĩ mà theo tôi, tất cả những ai đã tham gia điều trị những bệnh nhân COVID-19 đều xứng đáng nhận danh hiệu “Anh hùng”, tất cả đều là những “Thầy thuốc nhân dân”! Nếu nay mai, bất khả kháng có bệnh nhân không còn chống chọi được, thì chúng ta cũng đừng bi quan, bởi những người anh hùng áo trắng ấy cũng đã cố gắng hết sức mình để cùng bệnh nhân chiến đấu - mà đã chiến đấu thì phải chấp nhận có sự hy sinh nếu đã cố gắng hết sức mà không thể vượt qua! Còn nữa là đội quân hùng hậu làm nhiệm vụ chống dịch, những chiến sĩ, bộ đội được điều đi khắp các “chiến tuyến” - các điểm cách ly tập trung trên khắp đất nước. Nhiều anh em bộ đội, chiến sĩ phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”, xa gia đình, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm rất cao để hỗ trợ đồng bào từ nước ngoài trở về quê hương tránh dịch!

Chở che, bảo vệ đồng bào

Không thể không nói về những người xa xứ trở về quê hương trong mùa đại dịch. Có một thực tế phải thừa nhận, đâu đó vẫn có ý kiến cho rằng tại sao phải đón rước những người này về nước, vì chẳng phải đó là “nhập khẩu dịch” hay sao?! Đa số những ca nhiễm đều liên quan đến những chuyến bay, những người trở về Việt Nam lánh dịch. Nhưng, đó là chủ trương nhân văn, đầy ắp tình người, tình đồng bào của Chính phủ Việt Nam, một chính phủ, một đất nước luôn chở che, bảo vệ cho đồng bào, nhất là những lúc hoạn nạn. “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”. Vâng, quê hương chính là Mẹ, mà Mẹ thì không bao giờ từ bỏ con mình… Hình ảnh những sinh viên du học hăng hái trên con đường rời xa quê hương, vun đắp con đường tương lai ở những đất nước các bạn cho rằng tiến bộ hơn Việt Nam, thật trái ngược với hình ảnh các bạn kêu cứu được giúp đỡ để trở về nước trong cơn hoạn nạn. Thế mới có hành động “cúi đầu tạ lỗi với quê hương” của một nhóm sinh viên khi các em tự nhận mình đã vô tình mang dịch bệnh về đất nước (là hình ảnh mà cộng đồng mạng đã lan truyền và chia sẻ trong mấy ngày qua).

Trong cơn hoạn nạn, một đất nước, một chính phủ thương dân thể hiện rõ hơn bao giờ hết. “Chúng ta nợ người đàn ông này một lời cảm ơn” kèm theo dòng trạng thái này là hình ảnh Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam - Vũ Đức Đam, chưa bao giờ những Facebooker đồng loạt thể hiện tình cảm của mình dành cho những người đứng đầu Chính phủ lại nhiều đến mức xúc động như vậy! Chính vì những vị ấy đã trăn trở nhiều và hành động quá quyết liệt trong cơn đại dịch này. Nỗ lực của những người đứng đầu đất nước thì cả thế giới cũng đã công nhận, không riêng người Việt Nam! Hay tại Bạc Liêu, khi chủ trương không phát hành vé số để tránh nguy cơ lây dịch chuẩn bị thi hành thì có ngay một động thái đầy tính nhân văn là lãnh đạo tỉnh lập tức ban hành công văn chỉ đạo hỗ trợ khó khăn cho người bán vé số. Và rất nhiều những hình ảnh, động thái đẹp đã, đang và sẽ diễn ra cho thấy sự chăm lo của những người đứng đầu dành cho nhân dân; sự chung sức, chung lòng chống dịch. Một tinh thần Việt Nam, một văn hóa Việt Nam đáng tự hào trong cuộc chiến với đại dịch.

Trở lại với chương trình thời sự của VTV1 như trên đã đề cập. Sau khi đưa hàng loạt thông tin hết sức quan ngại về dịch COVID-19 ở phạm vi toàn cầu cũng như tình hình ở Việt Nam và khuyến cáo mọi người dân “Hãy đứng yên khi Mẹ Trái đất cần”, thì ngay sau đó, khán giả truyền hình cũng nhìn thấy nụ cười lạc quan của hai vị biên tập viên trong câu kết chương trình thời sự “Tin rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn trong cơn đại dịch nếu mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch”. Vâng, nụ cười ấy lan tỏa trên sóng truyền hình cả nước là đại diện cho tinh thần Việt Nam: quyết tâm, đoàn kết, thương yêu nhau, bình tĩnh và lạc quan trong mọi hoàn cảnh!

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.