Khan hiếm​ kịch bản mới cải lương

Thứ Tư, 17/01/2024 | 16:07

Đề án phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (SKCL) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 đã qua hơn nửa chặng đường. Nhìn lại hành trình nỗ lực vun bồi cho nghệ thuật SKCL, nhiều khởi sắc nhưng cũng còn không ít trăn trở.

Loay hoay tìm kịch bản mới là tình trạng của sân khấu nói chung và SKCL hiện nay nói riêng, trên phạm vi cả nước. Riêng ở Bạc Liêu, để duy trì SKCL sáng đèn hàng tuần thì việc tìm kịch bản mới để phục vụ khán giả càng là mối trăn trở lớn.

“Bình cũ rượu mới”

Mới đây, trên sân khấu kịch, một đạo diễn người Nhật đã “mạnh tay” dựng lại vở “Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt” - một vở kịch kinh điển đình đám nhất trong gia tài kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Công diễn tại Nhà hát Kịch Hà Nội trong 3 ngày từ 12 - 14/1/2024, tuy nhận nhiều ý kiến trái chiều nhưng việc chật kín rạp trong cả 3 đêm cho thấy, sân khấu kịch vẫn còn sức hút mãnh liệt với khán giả đương đại. Điều đáng bàn ở đây là, kịch bản cũ vẫn còn hấp dẫn khán giả hôm nay. Trong bối cảnh người ta loay hoay tìm chưa ra những kịch bản mới và “nóng”, đủ sức lôi cuốn khán giả thì quay về với vở cũ, dựng lại kiểu “bình cũ rượu mới” vẫn là lựa chọn của những người muốn giữ lửa cho sân khấu.

Thời gian qua, Nhà hát Cao Văn Lầu đã dựng lại khá nhiều vở cải lương kinh điển. Lần đầu tiên dàn dựng lại vở cải lương kinh điển “Đêm lạnh chùa hoang” của cố soạn giả Yên Lang (tháng 11/2021) sau nhiều tháng “màn nhung khép kín” do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ê-kíp thực hiện đã không làm khán giả thất vọng! Đạo diễn Ngô Quốc Khánh dựng lại vở với sự tham gia diễn xuất của những nghệ sĩ trẻ như: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Mỹ Hạnh, NSƯT Giang Tuấn, Như Huỳnh, Hoàng Dững, Hồng Thêm... Nếu không đặt sự so sánh với những tiền bối thì vở đã tạo nên luồng gió mới cho SKCL Bạc Liêu khi Nhà hát đón lượng khách đông gần như không còn ghế trống  vào đêm diễn đó!

Phát huy cách làm này, “Bên cầu dệt lụa”, “Đường gươm Nguyên Bá”, “Phạm Lãi biệt Tây Thi” đã được Nhà hát tiếp tục dựng lại để phục vụ khán giả Bạc Liêu và những du khách đến với Nhà hát vào tối thứ Bảy hằng tuần.

Chia sẻ tâm lý khi vào vai diễn để đời của thế hệ tiền bối, NSƯT Mỹ Hạnh (vai Hồ Bảo Xuyên trong “Đêm lạnh chùa hoang”) cho rằng: “Khi diễn, tôi khá áp lực bởi các nghệ sĩ thể hiện những vai này đã đi vào lòng người bao nhiêu thế hệ. Mình diễn lại chắc chắn sẽ có sự so sánh. Ngoài ra, yếu tố tâm lý từng trải, kinh nghiệm xử lý vũ đạo, diễn viên trẻ bây giờ cũng không thể sánh bằng các nghệ sĩ gạo cội. Nhưng nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn tự tin đem lại cái mới cho khán giả bằng hết khả năng của mình trên sân khấu. Đó cũng là dịp để thử sức, học hỏi cái hay của các tiền bối với sự sáng tạo của sức trẻ để hoàn thành vai diễn”.

Một cảnh trong vở cải lương “Đêm lạnh chùa hoang” do Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng lại. Ảnh: C.T

Đỏ mắt tìm kịch bản mới       

Tại Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc diễn ra vào tháng 9/2023, tác giả Lâm Dũng (Hội viên Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Âm vang dạ cổ) đã mạnh dạn chào sân bằng 2 trích đoạn cải lương mới toanh “Âm vang dạ cổ” và “Nhớ bạn chung tình”. Cả 2 đều nói về câu chuyện “tam niên vô tự bất thành thê” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tuy chưa có giải thưởng cho nghệ sĩ chính tham diễn, nhưng trích đoạn cũng tạo dấu ấn khi mạnh dạn xây dựng cốt truyện mới cho SKCL, nhất là câu chuyện liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ tài hoa trên đất Bạc Liêu.

Đầu tư, lựa chọn những kịch bản, vở diễn đặc sắc để biểu diễn, phục vụ du khách, xây dựng cải lương trở thành sản phẩm du lịch (DL) độc đáo, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh để Bạc Liêu trở thành trung tâm SKCL của khu vực... là những nội dung được đề cập trong “Đề án phát triển nghệ thuật SKCL giai đoạn 2021 - 2025” do UBND tỉnh ban hành. Trong từng giai đoạn thực hiện đề án, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Sở VH-TT&DL chỉ đạo công tác xây dựng kịch bản, vừa đảm bảo chất lượng về nội dung tuyên truyền, vừa dựa trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thế nhưng, xây dựng kịch bản mới vừa phù hợp thị hiếu khán giả thời đương đại, vừa giữ gìn những nét độc đáo của SKCL không phải là chuyện dễ! Đề án giao mỗi năm dựng 2 vở (mức kinh phí trên 500 triệu đồng), trong đó kinh phí cho phần kịch bản là 30 triệu đồng/vở, tuy nhiên không phải cứ có tiền đặt hàng thì có kịch bản hay!

Ở góc độ nghiệp vụ, NSƯT Mỹ Hạnh cho rằng: “Giờ hiếm kịch bản đủ chất lượng để tải nội dung mình cần, nên đã qua chủ yếu là Nhà hát dàn dựng lại những vở cũ. Tác giả viết kịch bản cho sân khấu hiếm, tác giả viết giỏi về SKCL càng hiếm hơn, và đặc biệt viết cho từng địa phương lại càng khó tìm. Kể cả việc đặt hàng cũng khó tìm ra kịch bản hay nếu không có tác giả giỏi và nhất là đặt cái tâm để viết”.

Xây dựng những kịch bản mới gắn với dấu ấn đất và người Bạc Liêu, như những trích đoạn của tác giả Lâm Dũng cũng là một thử nghiệm để SKCL có kịch bản mới. Dĩ nhiên, để có kịch bản vừa chuyển tải được những ý đồ quảng bá, ngợi ca về vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa mà vẫn đảm bảo yếu tố chất lượng nghệ thuật, giữ được hồn cốt của SKCL, không khiến cải lương bị “thô”… vẫn đòi hỏi tài năng của chính người viết kịch bản.

Câu chuyện kịch bản cho SKCL vẫn đang vắt óc những người có trách nhiệm với cải lương trên phạm vi cả nước và riêng ở Bạc Liêu - nơi có hẳn một đề án cho cải lương phát triển.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.