Khát vọng sống của người nhiễm HIV

Thứ Sáu, 15/09/2017 | 15:27

Không như nhiều người luôn mặc cảm bởi “căn bệnh thế kỷ”, anh rất cởi mở chia sẻ về cuộc sống của mình và mạnh dạn thừa nhận: “Tôi là người nhiễm HIV”. Vượt qua bi kịch cuộc đời, anh đã tìm thấy khát vọng sống dù thời gian còn lại không nhiều. Đó là câu chuyện của anh Kim Val (người dân tộc Khmer, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) - một tấm gương về nghị lực, lối sống lạc quan, một trong những người đang góp phần làm thay đổi cái nhìn của xã hội về người bị “H”…

TỪ BI KỊCH CUỘC ĐỜI…
Đầu tháng Chín, thời tiết nắng đẹp nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện những trận mưa lớn. Được người trong xóm chỉ dẫn, chúng tôi xắn quần băng qua con đường đất sình lầy tìm đến nhà anh Kim Val. Đến trước căn nhà nhỏ mái lợp tôn đã xuống cấp, trước mắt chúng tôi là 2 nông dân miệt mài chăm sóc rẫy hoa màu cận ngày “ra chợ”. Đưa tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, người thanh niên ngoài 30 tuổi, dáng người rắn rỏi, hớn hở hỏi: “Có phải mấy chú nhà báo hông? Anh là Kim Val nè, vào nhà ngồi uống nước cho mát”.
Chúng tôi cảm thấy bất ngờ vì sự thân thiện, chân tình của đôi vợ chồng đang mang trong mình căn bệnh HIV. Không một chút tự ti khi tiếp xúc với người lạ, gương mặt và ánh mắt của họ luôn ngập tràn niềm vui. Niềm vui ấy không chỉ vì cuộc sống bớt đói nghèo, hay 2 đứa con ngoan hiền, học giỏi, mà đặc biệt là gia đình sắp đón chào thêm “thiên thần” nhỏ. Cả 3 đứa bé đều được chẩn đoán không nhiễm HIV.
Nghĩ lại khoảng thời gian đau buồn trước đây, vợ chồng anh Kim Val không kìm được nước mắt. Như một định mệnh được sắp đặt, năm 2010, anh Val và chị Lâm Thị Thùy gặp gỡ, phải lòng nhau và quyết định chung xây mái ấm gia đình. Hạnh phúc nào bằng khi đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng niềm vui chẳng được bao lâu thì bi kịch xảy ra, đứa con tròn 1 tháng tuổi của họ qua đời với chẩn đoán bị HIV. Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai thì cả hai nhận hung tin từ kết quả xét nghiệm dương tính với “căn bệnh thế kỷ”.    
Suốt khoảng thời gian dài ấy, họ sống quằn quại vì bệnh tật và nỗi khát khao về một đứa con... Kể đến đó, anh Val đưa tay lên ngăn dòng nước mắt rồi ngậm ngùi: “Khi đó, vợ chồng tôi rơi vào khủng hoảng, tinh thần và sức khỏe sa sút trầm trọng, ai cũng nói “ốm như ma cây”. Sợ mọi người kỳ thị nên chúng tôi luôn trốn tránh không gặp ai. Đó là một cú sốc, bi kịch lớn nhất với gia đình mà tưởng chừng không bao giờ vượt qua được”.

Anh Kim Val tuyên truyền cách chăm sóc sức khỏe, điều trị HIV cho thành viên Câu lạc bộ Đồng đẳng. Ảnh: H.T

… ĐẾN KHÁT VỌNG SỐNG CHÁY BỎNG
Từ trong nghịch cảnh, tình yêu chân thành đã tạo sức mạnh giúp họ chống chọi với bệnh tật, cuộc sống khốn khó và cả những ánh nhìn thiếu thiện cảm của người đời. Dẫu biết rằng, người nhiễm HIV là đã mang “án tử”, nhưng anh chị vẫn tham gia điều trị ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Khát khao rồi cũng được toại nguyện khi những đứa con ra đời không nhiễm bệnh là kết quả của quá trình điều trị đúng liệu trình. “Ánh sáng nơi cuối đường hầm” đã giúp họ tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng, rồi đây tương lai của các con sẽ không nhuốm màu u tối. “Trước đây, các con bị mọi người xung quanh kỳ thị nên vợ chồng tôi xót xa, tủi phận lắm. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là lo cho các con ăn học đầy đủ. Chúng tôi sẽ cố gắng trở thành tấm gương tốt, để các con không bị xã hội xa lánh”, vừa nói anh vừa xoa đầu con mình.   
Cuộc đời sẽ mỉm cười với những ai không bao giờ bỏ cuộc. Bên cạnh ý chí của bản thân, vợ chồng anh Kim Val còn tìm thấy khát vọng sống từ “mái nhà chung” của người nhiễm HIV - Câu lạc bộ (CLB) Đồng đẳng (do Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành lập vào tháng 10/2013). Gặp gỡ những người cùng cảnh ngộ, vợ chồng anh đã có cái nhìn tích cực về bệnh tình khi được giải tỏa tâm lý, sẻ chia buồn vui trong cuộc sống. Ngoài ra, còn là sự quan tâm hỗ trợ từ phía CLB như: vay vốn sản xuất, sửa chữa nhà ở… Dần dà khoảng cách thu hẹp, chiếc khẩu trang trong những buổi đầu sinh hoạt CLB được bỏ đi, rồi tất cả cùng nắm tay nhau từ từ bước ra “ánh sáng”.
Có mặt trong những ngày đầu thành lập CLB, anh Val tích cực tìm hiểu hoàn cảnh, vận động người nhiễm HIV về với “đại gia đình” nên được tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm. Anh cảm nhận trách nhiệm của mình càng to lớn hơn vì giờ đây, anh không chỉ sống cho bản thân, gia đình mà còn vì những người bệnh đã đánh mất niềm tin. Trong cuộc sống, mọi người bắt gặp hình ảnh một Kim Val chăm chỉ lao động, chịu khó học tập và cố gắng nuôi dạy con tốt. Ở CLB, ngoài vai trò tuyên truyền viên, Kim Val còn là một người anh hết lòng giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Anh lạc quan nói: “Mỗi người một hoàn cảnh, trải qua những biến cố khác nhau, mọi người đã mạnh dạn đối mặt với sự thật, hướng về tương lai. Chúng tôi muốn đoạn đường còn lại của cuộc đời thật sự ý nghĩa, góp phần thay đổi định kiến của xã hội với người nhiễm HIV”.
HÃY MỞ RỘNG VÒNG TAY
Mỗi người đều có một số phận riêng, không ai giống ai. Có người khi vừa cất tiếng khóc chào đời đã nhận được biết bao hạnh phúc. Song cũng có người sinh ra tạo hóa đã sắp sẵn cho họ một số phận với bóng tối vây quanh trong từng nấc thang cuộc đời. Cho nên, hãy quan tâm, chia sẻ và có cái nhìn cảm thông với những người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”. Bởi để tiếp tục hiện hữu trên cõi đời này, họ đã phải gồng mình đối mặt với mọi rào cản, mà quan trọng hơn hết chính là sức ép tinh thần của bản thân. Nhưng điều đó không phải người nhiễm HIV nào cũng làm được. Câu chuyện của anh Kim Val, một người nhiễm HIV luôn không ngừng tin yêu vào cuộc sống này đã để lại những giá trị thật ý nghĩa. Trên thực tế, những người bị nhiễm “H” được sống trong tình yêu thương, quan tâm sẽ kéo dài thêm tuổi thọ và thậm chí còn trở thành những người hữu ích cho xã hội, anh Kim Val chính là một tấm gương điển hình. Nhờ tình thương của gia đình, sự quan tâm của xã hội đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực giúp anh vượt qua sóng gió, ngang trái cuộc đời để hồi sinh.
Hầu hết đều cho rằng những người nhiễm HIV là do lối sống không lành mạnh, sa vào con đường ma túy, mại dâm nên phải gánh chịu hậu quả thích đáng. Chính suy nghĩ đó khiến mọi người xa lánh, kỳ thị, thậm chí là ruồng bỏ người bệnh, đôi khi đó là máu mủ ruột rà. Và hậu quả của sự kỳ thị đó đã vô tình tạo “mồ chôn” cuộc đời người nhiễm HIV khi họ-vẫn-còn-đang-sống.
Đừng vô tâm trước những mảnh đời “lầm lỡ” lạc bước, vì ở một khía cạnh nào đó, họ vẫn đáng thương hơn đáng trách. Ai cũng từng phạm phải sai lầm, cho nên hãy có cái nhìn thông cảm, mở rộng vòng tay với người nhiễm HIV để họ được sống tốt cho chính mình và vẫn là người có ích cho xã hội.
HỮU THỌ - HOÀNG LAM

Bác sĩ Lê Hoàng Thi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 4 cơ sở tiếp nhận điều trị nhiễm HIV với 934 trường hợp. Nhìn chung, người thực hiện đúng liệu trình điều trị có đời sống, sức khỏe như người bình thường. Do đó, người nhiễm HIV hãy mạnh dạn đến các cơ sở y tế để được điều trị miễn phí, nếu kiên trì uống ARV và thực hiện tốt chỉ dẫn về ăn uống, sinh hoạt, lao động sẽ giúp kéo dài tuổi thọ. Ngược lại, trường hợp chán nản và bỏ cuộc giữa chừng thì thời gian sống rất ngắn, khoảng từ 5 tháng đến 1 năm sẽ qua đời”.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.