Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 27/11/2020 | 16:18

(tiếp theo số báo 3396)

Ở Bạc Liêu có một vùng sản xuất hoa màu, nằm trên một giồng cát cao ráo, người bình dân xưa gọi là Giồng Giữa, ngày nay nó nằm trên địa phận xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu), chạy dài xuống các xã của Bạc Liêu và huyện Vĩnh Châu của Sóc Trăng. Cư dân sống ở đây là người Kinh, Khmer và Hoa. Hầu như gia đình nào cũng biết trồng rẫy. Ngay từ đầu thế kỷ XX, nông phẩm hay còn gọi là đồ rẫy của vùng sản xuất hoa màu này đã nổi danh cả Nam kỳ lục tỉnh. Đó là nhãn Bạc Liêu, rau cần, ngò rí, hẹ… Nông phẩm nơi đây đẹp và ngon cực kỳ, có thể gọi đó là thánh địa của nghề rẫy Bạc Liêu. Và nó chính là sản phẩm văn hóa cộng cư. Cũng vào đầu thế kỷ XX, vào thời điểm Bạc Liêu nhiều lúa gạo, người Hoa kiều với thế mạnh thương mại đã tổ chức thu mua lúa gạo rồi chở đi Sài Gòn bán. Bá hộ Bì, tục danh là Phan Hộ Biết, người có 7 vợ chung sống và là cha vợ của đại điền chủ số một miệt Hậu Giang - Trần Trinh Trạch, được giới buôn bán lúa gạo thời đó tôn vinh là ông vua lúa gạo. Ông này có cất nhiều chành lúa và có mấy chục chiếc ghe chài để thu mua, vận chuyển lúa gạo. Thời đó chưa có máy cơ giới, ghe di chuyển bằng chèo hoặc chạy buồm trên những dòng sông lớn, còn nếu sông nhỏ thì phải thuê dân đinh kéo ghe bằng dây, họ từ trên bờ đạp gai góc mà kéo.

Hoạt động giao thương, mua bán ở chợ nhà lồng Bạc Liêu thời Pháp. Ảnh: T.L

Một người rể của vua lúa gạo Bá hộ Bì là Trần Trinh Trạch, ngoài việc tổ chức sản xuất lúa, còn tham gia chế biến gạo. Năm 1914, ông Trạch cho xây dựng một nhà máy xay xát lúa gạo lớn nhất miệt Hậu Giang có tên là nhà máy Hậu Giang. Nhà máy này chạy bằng đốt củi, hay trấu, bánh trớn của nó nặng đến 75 tấn. Hồi tôi còn nhỏ từ trong quê, cách 6 - 7 cây số vẫn thấy ống khói của nó cao cả 100m, vươn lên trời xanh. Sau giải phóng năm 1975, chính quyền cách mạng lấy làm trại giam của Công an rồi máy móc, nhà xưởng khổng lồ của nó cũng mất hết. Đến giờ ngồi nhớ lại tôi cảm thấy tiếc, giá còn nó sẽ là chứng tích thời vàng son sản xuất lúa gạo của Bạc Liêu. Chắc chắn là nó sẽ thu hút du khách trong thời kỳ Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển du lịch.

Người Minh Hương (Hoa lai Việt, Khmer) cũng là những người tổ chức sản xuất muối sớm nhất ở Bạc Liêu.

Có một điều thú vị rằng cuối thế kỷ XIX, bước sang đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu đã sản xuất hàng hóa và xuất khẩu rồi. Đó là lúc thương thuyền Hải Nam của Trung Quốc cập bến Bạc Liêu để mua sáp ong, mật ong, khô cá biển, khô sặc bổi, bong bóng cá đường… một số điền chủ và nhà buôn Bạc Liêu đã thu mua muối, lúa gạo bán tận Sài Gòn và Campuchia… Ngay từ đầu thế kỷ XX, Bạc Liêu được tôn vinh là tỉnh lúa, tỉnh muối và nó trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế - văn hóa phát triển phồn thịnh nhất ĐBSCL, mặc dù Bạc Liêu sinh sau đẻ muộn hơn các nơi khác. Tôi xin trích một đoạn trong bài báo có tựa đề “Đây, Bạc Liêu” của nhà báo Tạ Như Khuê đăng trên tuần báo Thanh Nghị ra ngày 11/3/1944 để minh họa phần nào sự trưởng thành của Bạc Liêu hồi nửa đầu thế kỷ XX. “Tôi đã đến cái xứ sở quê mùa ấy vào một đêm cuối mùa đông… Cảnh tượng vẫn một màu sắc Nam kỳ với những chiếc xe lôi cục mịch, những chiếc xe kéo dài cán. Đằng xa, trên sông thấp thoáng những chiếc ghe bầu, ghe lường. Chính tỉnh lỵ không có gì là lớn, vẻn vẹn chỉ có dãy phố quanh chợ và bến sông là vui vẻ, tấp nập. Tất cả chỉ bằng một khu chợ gạo Hà Nội. Nhưng nhờ trong xứ lúa gạo sản xuất nhiều đường giao thông lại tiện lợi nên đã thành một trung tâm điểm kinh tế rất năng động.

…Dù sao, đừng tưởng rằng châu thành Bạc Liêu là buồn tẻ như những tỉnh nhỏ ngoài Bắc mình. Trái lại Bạc Liêu là một đất ăn chơi. Trong châu thành có tới 3 rạp chiếu bóng và 1 rạp hát nguy nga, lớn hơn những rạp hát Hà thành nhiều. Nhà cửa cho thuê hiếm và không được lịch sự, nhưng ở bên kia sông, về phía nhà thờ có nhiều vi-la mới xây của mấy vị điền chủ coi vậy cũng đẹp mắt. Chợ lập giáp sông không đồ sộ như chợ Bến Thành - Sài Gòn, không rộng rãi như chợ Đồng Xuân - Hà Nội, nhưng tươi sáng sạch sẽ hơn. Tết đến trong mấy ngày chợ đêm, ghe ở các tỉnh chở những hàng lên bán tấp nập, ồn ào không kém gì những thành phố lớn…”.

Đó là góc nhìn của một người nơi khác đến nên nó khách quan. Chứng tỏ rằng, chỉ sau chưa đầy 200 năm khẩn hoang, Bạc Liêu đã vươn vai trưởng thành nhanh chóng. Công sức đầu tiên, lớn nhất là của người người đi khẩn hoang, lập ấp của 3 dân tộc anh em cư trú chủ yếu trên đất này.

Họ không chỉ tạo dựng những giá trị vật chất mà còn tạo ra một giá trị khác, cũng rất lớn lao, đó là giá trị tinh thần, là những vấn đề về văn hóa, mà tôi xin kể tiếp.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.