Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ Tư, 04/07/2018 | 16:42

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.522 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và có 4 trường hợp tử vong (số ca tử vong tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa). Riêng tại Bạc Liêu, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay là trên 50, không có trường hợp tử vong.

Chăm sóc bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: C.K

Tổng quan về bệnh SXH

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh SXH lây lan do muỗi vằn (Aedes aegypti) truyền vi-rút Dengue khi chích hút máu từ người bệnh sang người khỏe mạnh.

Muỗi vằn hoạt động ban ngày và chỉ có muỗi cái mới chích người và hút máu truyền bệnh. Vi-rút Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi cái khoảng 8 - 11 ngày. Khi bị muỗi chích, muỗi sẽ truyền vi-rút sang người lành, vi-rút sẽ tuần hoàn trong máu người lành mang trùng từ 2 - 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, người lành mang trùng tiếp tục là nguồn lây lan bệnh cho cộng đồng.

Có bốn type vi-rút SXH: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4; chu kỳ bùng phát dịch 4 năm - 1 lần và mỗi lần dịch bùng phát là 1 type vi-rút khác nhau. Do đó, khả năng tạo miễn dịch và miễn nhiễm với bệnh SXH là không cao, có nghĩa là bạn vẫn có khả năng bị nhiễm lại SXH và có thể nặng hơn lần đầu.

Dấu hiệu của bệnh SXH

Bệnh SXH thường kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày, bắt đầu với dấu hiệu sốt và các triệu chứng kèm theo như:

- Sốt cao, lên đến 400C;

- Nhức đầu nghiêm trọng;

- Đau phía sau mắt, đau khớp và cơ, đau vùng bụng;

- Buồn nôn và ói mửa;

- Phát ban, xuất huyết dưới da, dưới niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa;

- Sốc do thoát huyết tương, giảm thể tích tuần hoàn, cô đặc máu, trụy mạch (thường vào ngày sốt thứ 4 và 5).

Phòng ngừa bệnh SXH

Bạn nên nhớ rằng, không có muỗi thì không có SXH. Vấn đề là mọi người cần chung tay diệt muỗi và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không để ao tù nước đọng.

Các loại muỗi mang vi-rút SXH thường sống trong nhà và xung quanh nhà. Muỗi đẻ trứng trong lu, thùng phuy hoặc hồ nước. Thường xuyên dọn dẹp sạch các vũng nước đọng để không cho muỗi sinh sản, đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn sạch các vật dụng có thể chứa nước mưa (ví dụ như vỏ xe cũ, chén bát, thau chậu cũ…). Nên bỏ muối vào chân chạn, lọ hoa, bình bông… tránh muỗi vào đẻ trứng.

Phòng ngừa muỗi đốt:

- Nên ở phòng máy lạnh hoặc phòng sạch sẽ có lưới chống muỗi để tránh muỗi vào, ngủ mùng…;

- Hạn chế ngồi hoặc chơi đùa ở những góc ẩm, khuất, tối trong nhà, nhất là lúc bình minh, hoàng hôn và buổi tối, đó là vị trí và thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.

- Mặc quần áo dài tay phủ kín, mang vớ…

- Bạn nên dùng nhang xua muỗi hoặc thoa kem chống muỗi ở các vùng da không được quần áo che chắn như cánh tay, mặt, chân và cổ.

Bác sĩ Phước Nhường

Khi có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ SXH, hãy đến khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào hay cần tham vấn ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách phòng chống bệnh SXH, theo dõi và hỗ trợ điều trị tốt nhất, xin liên hệ Khoa Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, số 01, đường Đồng Khởi, phường 5, TP. Bạc Liêu.

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.