Y tế - Sức khỏe

Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa

Thứ Hai, 19/06/2023 | 16:54

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa, ngành Y tế tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) - Zika năm 2023, với mục tiêu tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, ban, ngành liên quan và cộng đồng. Qua đó thúc đẩy sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn dân tích cực phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Tẩm mùng bằng hóa chất diệt muỗi cho người dân để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: C.K

Theo nhận định của ngành Y tế, tình hình dịch bệnh, đặc biệt là bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới do yếu tố thời tiết thuận lợi, mới vào đầu mùa mưa và người dân thiếu quan tâm phòng, chống dịch bệnh theo các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ở hộ gia đình làm cho bệnh SXH - Zika phát triển. Vì vậy, chiến dịch hướng đến vận động người dân, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phòng, chống SXH - Zika, người dân tự giác thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng với thông điệp: “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh SXH - Zika” và “Không có lăng quăng/bọ gậy không có muỗi truyền bệnh SXH - Zika”. Theo đó, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức thường xuyên thực hiện các biện pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả trong công tác phòng, chống bệnh SXH như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thường xuyên kiểm tra dụng cụ chứa nước loại trừ lăng quăng, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát; thu gom loại bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà, bỏ dầu hoặc muối vào bát nước kê chân tủ đựng chén, bình hoa; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng…

Ghi nhận trên địa bàn huyện Hòa Bình cho thấy, địa phương này đã triển khai, phát động Chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH - Zika đợt I - năm 2023 từ ngày 15 - 16/6 và đợt II dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 17 - 18/7. Mục tiêu của 2 đợt chiến dịch là triển khai thực hiện đến tất cả hộ gia đình trên địa bàn xã, thị trấn và duy trì thường xuyên sau chiến dịch. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác truyền thông để phòng, chống dịch bệnh SXH - Zika hiệu quả với khẩu hiệu: “Người dân tự diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh SXH - Zika” và “Không có lăng quăng/bọ gậy không có muỗi truyền bệnh SXH - Zika”.

Nằm trong các hoạt động ngăn ngừa bệnh SXH, Trung tâm Y tế các huyện cũng đã triển khai tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue ở trẻ em cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn theo cập nhật mới của Bộ Y tế. Nội dung trọng tâm đặc điểm của sốt trong SXH Dengue, chẩn đoán SXH Dengue dựa vào triệu chứng, các mức độ chẩn đoán SXH Dengue, những dấu hiệu của bệnh hồi phục, phân biệt triệu chứng xuất huyết với phát ban hồi phục…

Theo bác sĩ Tăng Phương Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Bình thì diễn biến lâm sàng bệnh SXH Dengue rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, bệnh thường khởi phát đột ngột và qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục; bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên cần phát hiện sớm bệnh và nắm rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng, kịp thời để cứu sống bệnh nhân. Công tác điều trị SXH Dengue phần lớn ở các trường hợp được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và cần tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu cảnh báo/nặng, để xử trí kịp thời. Điều trị SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, người bệnh được cho nhập viện điều trị theo phác đồ; các trường hợp SXH Dengue nặng, người bệnh được nhập viện điều trị cấp cứu, được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu thoát huyết tương nặng dẫn tới sốc SXH Dengue, sốc SXH Dengue nặng, ứ dịch biểu hiện suy hô hấp, xuất huyết nặng, suy các tạng, thần kinh…

Với sự chủ động của ngành Y tế và các địa phương trong công tác phòng bệnh SXH, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trong phòng, chống dịch bệnh nói chung, bệnh SXH nói riêng để tự bảo vệ gia đình, bản thân trước các mối đe dọa nguy hiểm của dịch bệnh.

TRÚC LY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.