An toàn giao thông

Vận động hành khách mặc áo phao khi đi đò, phà

Thứ Hai, 18/09/2023 | 16:05

Bạc Liêu là một trong những địa phương có kênh rạch dày đặc nên còn khá đông người tham gia giao thông trên các phương tiện thủy. Nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm và nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về đảm bảo ATGT đường thủy, xây dựng văn hóa giao thông trên sông nước.

Cảnh sát giao thông vận động, hướng dẫn người đi phà mặc áo phao. Ảnh: T.H

Còn nhiều người vi phạm quy định mặc áo phao

Tháp tùng cùng các đoàn kiểm tra về ATGT của lực lượng chức năng tỉnh, chúng tôi ghi nhận ở các bến đò, phà ngang sông trên địa bàn, mặc dù chủ phương tiện trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách, song hầu như không ai thiết tha với quy định bắt buộc mặc áo phao để đảm bảo ATGT trên đường thủy.

Anh T. (huyện Hồng Dân) thừa nhận, đây là thực trạng chung tại nhiều bến đò chở khách ngang sông hiện nay: “Sống ở miền sông nước nên hầu như ai cũng biết bơi. Vả lại thời gian qua phà rất nhanh, vừa mặc xong áo phao thì đã đến bến, lại phải cởi ra, khá bất tiện”. Trong khi đó, chị H. (huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ: “Người dân địa phương hay hành khách ở xa đến cũng vậy, hiếm khi nào chịu mặc áo phao. Riêng tôi thấy áo phao treo trên phà để mưa nắng lâu ngày, nhiều người cùng sử dụng nên thấy ái ngại về vấn đề vệ sinh”.

Từ ngày 1/1/2022, Nghị định 139 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh, hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ, có trọng tải toàn phần đến 15 tấn, hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa, hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông. Trước đây, theo Nghị định 132 của Chính phủ, hành vi này chỉ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Vận động người dân mặc áo phao khi đi đò, phà

Bến đò ngang văn hóa - an toàn do hộ ông Phạm Văn Anh làm chủ có 2 đầu bến thuộc xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) và xã Lai Hòa (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nên trung bình mỗi ngày có hàng trăm lượt người, phương tiện qua lại. Để đảm bảo an toàn cho hành khách, ông Anh cho biết gia đình thường xuyên tu bổ phương tiện đảm bảo an toàn và đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành. “Tuyến sông liên tỉnh giữa Bạc Liêu và Sóc Trăng tương đối rộng nên chúng tôi luôn đặt an toàn của bà con lên hàng đầu. Theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, tôi thường xuyên kiểm tra và thay mới áo phao, phao cứu sinh, dụng cụ nổi cá nhân, khi khách xuống đò thì nhắc mặc áo phao. Tôi không bao giờ chở quá số người quy định cũng như không xuất bến nếu thời tiết mưa dông nguy hiểm”, ông Phạm Văn Anh chia sẻ.

Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, xây dựng văn hóa giao thông với bình yên sông nước, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, vận động chủ bến trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ và các loại giấy tờ liên quan như giấy phép hoạt động, chứng chỉ chuyên môn, niêm yết giá. Đặc biệt là luôn đăng kiểm phương tiện đúng kỳ hạn… Vận động hành khách mặc áo phao khi đi đò, phà tuy chỉ là một việc làm nhỏ và được thực hiện thường xuyên, thậm chí hằng ngày của lực lượng Cảnh sát giao thông, tuy nhiên đó là một việc làm nhân văn, là sự kiên trì gìn giữ an toàn tính mạng cho Nhân dân.

Theo Đại úy Nguyễn Phi - cán bộ Thủy đội (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh): “Chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, trong đó có quy định mặc áo phao khi đi đò, phà qua sông là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo an toàn cho mình và mọi người, đồng thời mỗi hành khách cũng đã góp phần xây dựng, giữ gìn văn hóa giao thông trên sông nước”.

Mai Đinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.