Lao động nghèo gặp khó trong “cơn bão” giá

Thứ Tư, 26/06/2019 | 14:57

Thời gian qua, giá cả thị trường liên tục tăng nhanh, giảm chậm, ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng. Để có thể sống chung với “bão” giá, người tiêu dùng - nhất là tầng lớp lao động nghèo phải “thắt lưng buộc bụng”, dè sẻn trong chi tiêu, sinh hoạt để đảm bảo được cuộc sống hàng ngày không bị thiếu hụt.

Người tiêu dùng tiết kiệm trong mua sắm hàng ngày. Ảnh: T.Q

Đã thành thói quen, cứ sáng dậy, trước khi đi làm là anh Bùi Minh Trọng (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) tranh thủ ra quán ăn sáng, uống cà phê với bạn. Tuy nhiên mấy tháng nay, anh hạn chế dần thói quen cũ để dành tiền chi tiêu hàng ngày và lo cho con ăn học. Anh Trọng cho biết: “Tôi làm nghề thợ mộc, tiền công chủ yếu ăn theo sản phẩm nên thu nhập chẳng là bao trong khi giá cả bây giờ tăng chóng mặt. Riết rồi chẳng thiết giao thiệp, hạn chế gặp mặt bạn bè, cũng chẳng dám mua sắm gì, tiền tiêu xài tăng mà thu nhập thấp, chất lượng bữa cơm lại giảm do vật giá từ thực phẩm đến nhu cầu thiết yếu đều đua nhau tăng…”.

Đối với người lao động có công việc, thu nhập ổn định mà còn thiếu hụt trong chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày thì với những lao động nghèo, sống dựa vào “lộc” biển, công việc bấp bênh hoặc làm nghề mua bán nhỏ thì còn chật vật gấp nhiều lần. Chị Yếp Thị Thanh (31 tuổi, ngụ khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát) chia sẻ: “Tôi có 3 đứa con đang độ tuổi ăn học, vì hoàn cảnh khó khăn nên cháu lớn đành nghỉ học phụ mẹ bán bánh, bán nhang ở khu Quán âm Phật đài. Từ sáng sớm đến chiều tối, hai mẹ cũng chỉ kiếm được gần 200 ngàn đồng, vừa đủ đắp đổi qua ngày. Cuộc sống bình thường đã thiếu thốn, nay mọi thứ tất tần tật từ điện, thực phẩm… đều tăng, nếu không “liệu cơm gắp mắm” thì rất dễ lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần”.

Bà Như Hoàng (ngụ phường 1, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Gia đình tôi khó khăn, phải thuê nhà ở. Tôi sống bằng nghề nhặt phế liệu, còn chồng tôi thì quét rác, thu nhập bấp bênh. Mấy tháng trước, trung bình mỗi tháng tôi chỉ chi tiêu 1 triệu đồng/tháng, giờ đây mọi thứ từ tiền thuê nhà, giá điện, chi phí sinh hoạt đều tăng nên cuộc sống của lao động nghèo như chúng tôi khó càng thêm khó”.

Giá cả thị trường “leo thang” không chỉ người lao động nghèo, người có thu nhập thấp, công chức, viên chức đau đầu mà đến cả những người kinh doanh cũng “thấp thỏm” vì giá cao nên mua bán ế ẩm.

Chị Tuyết Nhung (tiểu thương chợ Phó Sinh, xã Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Mấy tháng nay, các đầu mối giao hàng đều tăng giá, buộc lòng tôi phải tăng theo. Giá tăng nên người mua ít hơn, do đó phải bán cầm chừng để giữ “mối”, thời buổi bây giờ làm ăn khó khăn quá”.

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, nhằm ổn định thị trường, nhất là về giá cả, Cục chỉ đạo các đội nghiệp vụ và phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền các hộ mua bán, kinh doanh công khai niêm yết giá và xử lý nghiêm những hành vi cố tình bán giá cao hơn quy định. Song phải nhìn nhận rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đa phần chỉ áp dụng được đối với những hộ kinh doanh lớn, còn với các điểm chợ, các dịch vụ ăn uống, phòng trọ thì giá cả cứ loạn xạ, không thống nhất, điều này vô tình đẩy những người dân nghèo với đồng lương “èo ọt” đã khổ, nay càng khổ hơn.

Thiết nghĩ, trước những khó khăn của người nghèo, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát thị trường chặt chẽ hơn nữa. Ngoài ra, thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình trợ giá, mở thêm nhiều cửa hàng, điểm bán giá bình ổn để người dân, nhất là lao động nghèo không cảm thấy lo lắng, bất an mỗi khi có nhu cầu mua sắm. Đồng thời, xử lý thật nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở, điểm bán cố tình “tát nước theo mưa”, tăng giá vô tội vạ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.