Những người mẹ Khmer nghèo quyết lòng nuôi con ăn học

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 16:23

Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, trình độ học vấn thấp…, nhưng nhiều người mẹ Khmer vẫn quyết lòng vượt qua khó khăn, trở ngại để nuôi con ăn học. Trong số đó, có nhiều người con học hành thành đạt, hiếu thảo với cha mẹ và có nhiều đóng góp cho quê hương.

Chị Sơn Thị Thanh Tuyền chăm sóc rẫy rau màu của gia đình.

Vượt lên nghịch cảnh

Để có điều kiện lo cho 3 người con ăn học, vợ chồng chị Sơn Thị Thanh Tuyền (ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) gửi con cho ông bà rồi dắt díu nhau lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Thế nhưng niềm hy vọng có thể đổi đời nơi đất khách đã vụt tắt khi chị Tuyền bị tai nạn lao động. Trở về quê nhà, vợ chồng chị khởi đầu với việc trồng rẫy, tranh thủ lúc nông nhàn còn đi phụ giúp việc nhà, nhổ cỏ, chở rau thuê… Vợ chồng sống tằn tiện hết mức để có thể lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Trôi theo thời gian, những nồi cháo loãng, những con cá vụn thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của người mẹ nghèo đã cho chị 3 người con chăm ngoan, học giỏi. “Vợ chồng tôi ít học, nghề nghiệp không ổn định. Rút kinh nghiệm từ bản thân mình nên tôi quyết tâm lo cho các con học hết lớp 12, rồi sau đó học nghề hoặc học cao đẳng, đại học. Có nghề, có tri thức thì tương lai các con mới tươi sáng, không rơi vào vòng luẩn quẩn khổ cực như cha mẹ”, chị Tuyền chia sẻ.

Dưới ánh đèn tù mù, nhìn 3 đứa con nhỏ dại đang học bài mà nước mắt chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (khóm Nhà Mát, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) cứ lã chã tuôn. Đã lâu lắm rồi chị chưa biết đến cảnh ăn ngon, mặc đẹp, sống thảnh thơi là thế nào. Người chồng tàn nhẫn bỏ đi khi đứa con thứ 3 còn đang bi bô tập nói. Các con tuy còn nhỏ nhưng sớm hiểu chuyện. Đứa con gái lớn đang học lớp 5, tan học về là thay mẹ quán xuyến việc nhà, chăm sóc và kèm cặp việc học của 2 em. Đối với người mẹ nghèo đơn thân, để có cái ăn và chi phí cho 3 đứa con đến trường, chị Trinh phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi ngày, từ sáng tinh sương chị đã thức dậy lo cơm nước, đưa con đi học rồi đi vá lưới, nhổ cỏ, lặt rau thuê. Chị Trinh cho biết, mặc dù bản thân phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, song khi nhìn thấy những tấm giấy khen của các con là mọi mệt nhọc, khổ đau đều tan biến. Nếu không nuôi nổi các con học đến đại học thì chị cũng gắng cho các con học hết lớp 12, sau đó học lấy một cái nghề để có thể nuôi sống bản thân, tương lai cũng xán lạn hơn.

Bà Lâm Thị Pung khoe giấy khen của các con. Ảnh: T.Q

Xây ước mơ cho con

Trong căn nhà nhỏ của bà Lâm Thị Pung (Phường 3, TP. Bạc Liêu) có rất nhiều bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn trên tường. Với bà Pung, đây là nguồn động viên tiếp sức cho bà vượt qua những tháng ngày khổ cực nhất. Cả một thời tuổi trẻ tần tảo mua gánh bán bưng, bà Pung đã nuôi được 5 người con ăn học và đều có nghề nghiệp ổn định. Công thành danh toại, các con bà đều sống hiếu đạo, quan tâm, chăm sóc người mẹ đã dành tất cả cuộc đời để xây đắp tương lai cho các con.

Hình ảnh những bà mẹ Khmer nghèo nhưng không nề hà khổ nhọc để lo cho con ăn học không còn là chuyện hiếm ở Bạc Liêu. Có thể kể ra như bà Tăng Thị Lan (ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) vượt qua nghèo khó nuôi 4 người con học đại học, giờ cả 4 đều có nghề nghiệp ổn định; bà mẹ đơn thân Thạch Thị Kim Hoa (ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) tuy mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn quyết chí nuôi 2 người con theo học ngành Y…

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng không có người mẹ nào muốn con mình thất học. Họ sẵn lòng đánh đổi mồ hôi, nước mắt và tất cả ước mơ, sức khỏe của mình để đem lại tương lai tươi sáng cho con. Mặc cho đôi tay chai sạn, chiếc áo sờn vai, những người mẹ Khmer nghèo giống như những bông hoa đẹp góp phần tô điểm thêm giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.