Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Giảm nghèo bền vững - đích đến của một xã hội phồn vinh

Thứ Tư, 12/04/2023 | 15:24

Bài cuối: Tư duy và cách thức mới trong giảm nghèo bền vững

>>> Bài 3: Khơi dậy nghị lực thoát nghèo của “chủ thể”

Cùng với sự phát triển của xã hội, chuẩn nghèo đa chiều mới hiện nay không chỉ chú ý đến thu nhập mà còn bao gồm cả quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội hiện đại của người dân. Với chuẩn mới này, Bạc Liêu từ 0,35% hộ nghèo vào cuối năm 2021 phải đưa ngược trở lại danh sách hộ nghèo của tỉnh đầu năm 2022 gần 11.500 hộ nghèo, chiếm 5,09%; 14.755 hộ cận nghèo, chiếm 6,54%. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể bắt đầu có sự đổi mới tư duy, cách thức để “lấp đầy” hàng chục lỗ hổng thiếu hụt của hộ nghèo. Bởi nếu vẫn duy trì vấn nạn chạy theo thành tích để đạt được số lượng thì chắc chắn rằng sẽ không đạt được mục tiêu bền vững và nguy cơ tái nghèo sẽ vẫn tiếp diễn.

Trao vốn cho hộ nghèo xã Long Điền (huyện Đông Hải) từ nguồn vận động Vietcombank - Chi nhánh Bạc Liêu. Ảnh: T.T - H.T

XÓA BỎ “CUỘC ĐUA THÀNH TÍCH”

Những thành quả trong công tác giảm nghèo thời gian qua là không thể phủ nhận được. Bởi sự vươn lên của hộ nghèo cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn xuất hiện nhiều trường hợp thoát nghèo theo kiểu “chín ép”, “non tiêu chí”. Chúng tôi xuống một ấp vùng sâu của huyện Vĩnh Lợi, đến ngôi nhà không đảm bảo “3 cứng”, 3 lao động chính thì có đến 2 người thất nghiệp nhưng vẫn không thuộc diện hộ nghèo. Khi được hỏi, chủ hộ nói rằng họ được chính quyền địa phương vận động thoát nghèo để đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM) và hứa sẽ dành nhiều sự hỗ trợ sau khi trả lại sổ hộ nghèo.

Hay mới đây, theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến nhà chị Trà Thị Sol (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) - hộ thoát nghèo tiêu biểu. Ấn tượng ban đầu chính là căn nhà tường khang trang được xây dựng với chi phí 300 triệu đồng. Thế nhưng, hỏi ra thì mới biết là tiền xây nhà do chị vay từ chị ruột, Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng cũng đồng thời vay tín dụng đen cả trăm triệu đồng. Cả 3 đứa con của chị đều không đi học, trong đó đứa lớn 16 tuổi không nghề nghiệp. Gia đình 5 khẩu chỉ có chồng chị làm công nhân cầu đường, công việc lúc có lúc không, bản thân chị thì loanh quanh với diện tích rẫy màu khiêm tốn được người chị cho mượn canh tác. Chúng tôi thật sự trăn trở, việc để hộ chị Sol thoát nghèo có quá vội vàng, bởi ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo của gia đình chị rất mong manh (số nợ gia đình chị phải trả hàng tháng hơn 3 triệu đồng).

Hay trong đợt giám sát của HĐND tỉnh về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2022 vừa qua cũng đã nhận định về những bất cập trong công tác giảm nghèo, đồng thời đánh giá một số địa phương vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích nên tính bền vững trong kết quả giảm nghèo là chưa cao. Đơn cử rõ nét nhất là kết quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm hầu như không đạt hiệu quả về chất lượng. Vì thực tế các trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề ở địa phương hầu hết trong tình trạng cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng, không có giáo viên cơ hữu; việc đào tạo nghề ngắn hạn (3 tháng trở xuống) không đáp ứng nguyện vọng của người dân... Thực trạng như vậy thì việc giải quyết việc làm sau khi đào tạo được báo cáo trên 80% liệu có đúng thực chất(?).

Vẫn còn không ít hộ không hiểu vì sao được thoát nghèo, “bị” rút sổ hộ nghèo trong khi cuộc sống còn quá khó khăn, đến nỗi không mua được một suất bảo hiểm y tế phòng thân; hoặc mới vừa nhận được 4 triệu đồng vốn hỗ trợ sản xuất chưa được 6 tháng đã được bình xét thoát nghèo. Thậm chí còn có hộ vẫn sống trong những căn nhà xập xệ, vách thiếc, trống trước, hở sau trên khoảnh đất vài mét vuông, thu nhập bấp bênh nhưng chính quyền địa phương lại khẳng định nơi đây hoàn thành mục tiêu xóa nhà lụp xụp… Rõ ràng, đây chính là bệnh “thành tích” của các địa phương: quyết tâm thoát nghèo theo chỉ tiêu được giao mà không quan tâm đến mục đích cuối cùng là giúp dân vượt khó, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho Nhân dân. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số hộ cận nghèo tăng lên, tình trạng tái nghèo vẫn tồn tại.

SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 thì trong 3 tiêu chí đo lường có đến 6 chỉ tiêu dịch vụ xã hội và 12 chỉ số đo lường thiếu hụt mà muốn thoát nghèo các hộ phải đạt được. Để vượt qua được thách thức này, ngay sau khi có kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương phải bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch, giải pháp, đồng thời khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh. Chủ trương tiên phong trong giai đoạn giảm nghèo mới này là Tỉnh ủy Bạc Liêu đã sớm ban hành Nghị quyết 13 về giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Khi triển khai Nghị quyết 13, lãnh đạo tỉnh cũng nhấn mạnh tinh thần của nghị quyết chính là sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới. Đồng thời, khắc phục triệt để hạn chế trước đây, nhất là việc chạy theo thành tích nên hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo ở mức “quá non”, không bền vững; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo; khắc phục tình trạng dạy nghề tràn lan, không phù hợp với nhu cầu cá nhân, nhu cầu lao động của thị trường, địa phương; hay triển khai các mô hình giảm nghèo cũng gắn với mục tiêu phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của địa phương…

Theo tinh thần đó, huyện Phước Long - địa phương tiên phong của tỉnh trong phong trào xây dựng NTM cũng đã áp dụng giải pháp thực hiện các tiêu chí giảm nghèo gắn với xây dựng NTM. Theo đó, huyện sẽ ưu tiên đầu tư cho những hộ có ý chí thoát nghèo, hỗ trợ từ nguồn vốn đến cách thức làm ăn. Đặc biệt, trước khi thực hiện hỗ trợ, Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện chú trọng phân loại các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo của từng nhóm hộ nghèo hiện nay gồm: thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu lao động, đông người phụ thuộc, thiếu vốn, thiếu đất, phương tiện sản xuất, lười lao động, tai nạn rủi ro, có người ốm đau, tàn tật và thiếu việc làm. Từ đó, các hình thức hỗ trợ cũng đa dạng và phù hợp hơn như: hỗ trợ bằng tiền hay tặng cây - con giống, thức ăn, thậm chí có thể giúp các hộ sửa chữa chuồng trại, trang bị máy bơm nước, máy nổ, xuồng máy… 

Có thể thấy, các cấp ủy, chính quyền hiện nay đang hướng đến mục tiêu đổi mới tư duy về thực hiện chủ trương giảm nghèo. Đó là Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.

Để đảm bảo tính bền vững, năm 2023 tỉnh Bạc Liêu đã đặt ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khoảng 1%. Chỉ tiêu này thấp hơn nhiều so với các năm trước, bởi vì theo chuẩn nghèo mới, hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh hiện đều vướng vào 5 tiêu chí thiếu hụt khá cao, gồm: bảo hiểm y tế, việc làm, sử dụng dịch vụ viễn thông, nhà tiêu hợp vệ sinh, chất lượng nhà ở. Cho nên, chủ trương của tỉnh là giảm áp lực về số lượng để củng cố chất lượng trong việc hoàn thành các tiêu chí thật sự bền vững.

HOÀNG UYÊN - HỮU THỌ

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Lê Thị Ái Nam nhấn mạnh: Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Do đó, để thực hiện các tiêu chí giảm nghèo đa chiều thì Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp phải xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Các địa phương tiếp tục phát huy và nhân rộng những mô hình giảm nghèo hiệu quả, nhất là mô hình hỗ trợ, đỡ đầu hộ nghèo của cán bộ, đảng viên, ban, ngành cấp tỉnh. Để khắc phục tình trạng kém bền vững trong công tác giảm nghèo, đề nghị HĐND các cấp, Mặt trận các cấp tăng cường công tác giám sát về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, việc khảo sát hộ nghèo, cận nghèo và xét công nhận hộ thoát nghèo… Bởi khi đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng có nghĩa là chúng ta đang xóa dần sự phân hóa giàu nghèo, tạo công bằng xã hội và đảm bảo được sự phát triển bền vững trong tương lai.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.