Giáo dục - Học Đường

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều: Bạc Liêu sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển giáo dục

Thứ Sáu, 15/01/2021 | 16:37

Tại buổi tiếp và làm việc với đoàn cán bộ Bộ GD-ĐT do ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn về việc kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới tại Bạc Liêu, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Dù là địa phương còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển giáo dục. Đặc biệt là đáp ứng tốt, triển khai thành công CTGDPT mới trong những năm tiếp theo”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều (bên phải) tặng biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ.

Triển khai thành công CTGDPT mới

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 118 trường tiểu học (trong đó có 2 trường tư thục) và 3 trường phổ thông có cấp tiểu học, với 74.611 học sinh/2.334 lớp, trung bình có 32 học sinh/lớp; có 2.215 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 1.552, bình quân 0,95 phòng học/lớp. Số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày (9 - 10 buổi/tuần) là 52.711 em, chiếm tỷ lệ 70,64%. Trong đó, số học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày là 14.761/14.761 em, đạt tỷ lệ 100%. Đây là điều kiện kiện thuận lợi để ngành triển khai thực hiện thành công CTGDPT mới.

Đối với CTGDPT mới, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục triển khai thực hiện theo lộ trình quy định của Bộ GD-ĐT. Theo đó, ngành đã triển khai đánh giá và đề xuất kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPT mới; chọn cử đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện theo kế hoạch bồi dưỡng của Bộ GD-ĐT.

Đồng thời tiến hành sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học và lựa chọn sách giáo khoa (SGK) để thực hiện CTGDPT mới. Phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về đổi mới CTGDPT.

Riêng đối với công tác triển khai, lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 và SGK cho các khối lớp tiếp theo, ngành đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh, thành lập Hội đồng lựa chọn SGK ở từng trường học phải đảm bảo số lượng và cơ cấu quy định. UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-KH&CN phối hợp với các nhà xuất bản (NXB) tổ chức hội thảo giới thiệu 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ GD-ĐT phê duyệt và chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu SGK ở từng trường học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ kiểm tra thực tế năng lực đọc tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu).

Căn cứ tiêu chí và kết quả nghiên cứu từng loại SGK, các đơn vị tiến hành lựa chọn theo quy trình và báo cáo kết quả về Sở GD-KH&CN để phối hợp với các NXB có SGK được lựa chọn để in ấn và cung ứng kịp thời cho học sinh trước ngày khai giảng năm học mới. Nhìn chung, việc lựa chọn SGK lớp 1 của các trường tiểu học trong tỉnh đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Kết quả, có 3 bộ SGK lớp 1 được lựa chọn để giảng dạy từ năm học 2020 - 2021. Cụ thể, có 34/122 (27,86%) trường lựa chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và 46/122 (37,7%) trường lựa chọn bộ “Chân trời sáng tạo” của NXB Giáo dục Việt Nam; 42/122 (34,42%) trường lựa chọn bộ “Cánh diều” của NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN, cho biết: “Ngành đã chủ động cho giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấn CTGDPT mới đầy đủ, có chất lượng. Trong quá trình thực dạy, tổ chức sinh hoạt chuyên môn do trường và các cấp quản lý tổ chức. Trong đó, chủ động trao đổi các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện CTGDPT; chủ động đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; phát hiện những thuận lợi, khó khăn và kịp thời đề xuất những biện pháp giải quyết khó khăn; tích cực tự làm thiết bị dạy học và xây dựng học liệu điện tử của môn học. Nhìn chung, hoạt động giáo dục của đội ngũ nhà giáo, các trường học trong tỉnh đã đáp ứng tốt CTGDPT mới”.

Xây dựng đề án, chuẩn bị nguồn lực phục vụ giáo dục

Để kịp thời triển khai việc lựa chọn SGK các môn học/hoạt động giáo dục đối với lớp 2, lớp 6, năm học 2021 - 2022 và các khối lớp khác tiếp theo, UBND tỉnh đang xem xét để ban hành tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh và thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 (mỗi môn học/hoạt động giáo dục mỗi cấp học thành lập 1 Hội đồng).

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ trao đổi với cán bộ, giáo viên Trường tiểu học C Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) về tình hình triển khai thực hiện CTGDPT mới tại đơn vị. Ảnh: C.K

Đối với Giáo dục trung học, trong thời gian thực hiện lộ trình đổi mới CTGDPT, ngành đã thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 4612 của Bộ GD-ĐT, chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục thông qua việc rà soát nội dung dạy học trong SGK, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của CTGDPT hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu; không dạy những nội dung ngoài SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của CTGDPT.

Qua báo cáo của tỉnh và trực tiếp kiểm tra tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị: Bạc Liêu cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được cho những năm tiếp theo. Trước mắt cần chỉ đạo tốt việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6. Kiện toàn nhóm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để sớm hoàn thiện tài liệu địa phương lớp 1 và các lớp tiếp theo. “Đây không chỉ là tài liệu dạy học, mà còn là công trình văn hóa của địa phương nên phải được thực hiện công phu, chuẩn về nội dung, đẹp về hình thức”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT sẽ đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu để rà soát, hoàn thiện 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất thực hiện CTGDPT mới giai đoạn 2021 - 2025. Riêng đề án về đội ngũ giáo viên, tỉnh cần gắn với nâng cao năng lực đào tạo của Trường đại học Bạc Liêu.

Để dư luận Nhân dân hiểu rõ về quá trình triển khai CTGDPT mới, đặc biệt là những kết quả thực hiện chương trình lớp 1 thời gian vừa qua, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Bên cạnh đó là chú trọng công tác phối hợp, thường xuyên kết nối với các đơn vị của Bộ GD-ĐT để cùng trao đổi, “gỡ khó” cho quá trình triển khai CTGDPT mới.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.