Mùa khô 2014: Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Thứ Hai, 14/04/2014 | 09:02

Dự báo của ngành Nông nghiệp tỉnh: vào giữa tháng 4 đến đầu tháng 5/2014 là đỉnh điểm của mùa khô. Hiện nay, nắng nóng kéo dài, nhiều vùng chuyên nuôi tôm ở huyện Giá Rai đã bắt đầu xuất hiện tình trạng tôm chết vì thiếu nước. Trong khi đó, ở các vùng chuyên lúa thuộc huyện Phước Long, Vĩnh Lợi lại đứng trước nguy cơ xâm nhập mặn, gây khó khăn cho sản xuất vụ hè thu.

Thiếu nước mặn

Cứ bước vào tháng 4 mỗi năm là nông dân ở các vùng chuyên nuôi tôm thuộc huyện Giá Rai lại thấp thỏm nỗi lo thiếu nước sản xuất. Trong đầm, nắng nóng đã làm rong tảo sinh sôi dày đặc khiến con tôm khó thở. Cái nắng gay gắt cũng đã làm bốc hơi lượng nước dự trữ trong các đầm tôm. Trên những dòng kênh thủy lợi, nắng nóng cũng làm nước khô dần và độ mặn tăng cao. Nhiều nơi, tôm nuôi bắt đầu chết rải rác vì không thích nghi với môi trường bị thay đổi đột ngột.

Anh Lê Văn Keo (nông dân ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai) than thở: “Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này là tôm chết vì thiếu nước. Mùa nắng, nước bốc hơi nhanh nên nhu cầu lấy nước vào ao nuôi rất lớn. Tuy nhiên, các kênh thủy nông nội đồng lại bắt đầu khô cạn nên việc lấy nước rất khó khăn. Nhiều hộ đã xả nước, phơi ao chờ dịp để lấy nước mới vào ao, và kênh thủy lợi công cộng cũng trở thành nơi chứa nước bị ô nhiễm này”.

Nông dân xã Phong Thạnh (huyện Giá Rai) xả nước tôm chết ra kênh thủy lợi, rồi lấy nước vào để nuôi tôm từ kênh chung này. Ảnh: P.Đ

Huyện Giá Rai có tổng diện tích nuôi thủy sản hơn 20.300ha, đến nay nông dân đã thả nuôi gần 18.700ha (trong đó diện tích bị thiệt hại hơn 500ha). Theo bà con, nếu tình trạng nắng nóng thiếu nước nuôi tôm tiếp tục kéo dài, thì diện tích tôm nuôi bị thiệt hại sẽ tăng cao, đó là điều khó tránh khỏi.

Rời vùng mặn, chúng tôi đến các huyện vùng ngọt Phước Long, Vĩnh Lợi - nơi cây lúa giữ vai trò quan trọng trong đời sống của nông dân. Tuy nhiên, nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ bị nước mặn xâm nhập qua Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Phòng NN&PTNT huyện Phước Long dự báo, nếu xảy ra xâm nhập mặn, sẽ có 3.000ha lúa hè thu sắp tới của nông dân ở các xã vùng trũng như: Hưng Phú, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Thanh, Vĩnh Phú Tây… bị ảnh hưởng.

Tập trung công tác điều tiết nước

Trước những khó khăn về nhu cầu nước phục vụ sản xuất của nông dân nuôi tôm và nguy cơ xâm nhập mặn ở vùng ngọt, Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo điều tiết nước ổn định cho cả hai vùng mặn, ngọt.

Ở vùng mặn, vận hành các cống đầu mối như cống Giá Rai, cống Láng Trâm, cống Hộ Phòng, cống Nọc Nạng, cống Cây Gừa… lấy nước vào thường xuyên để ổn định độ mặn, cung cấp nước cho người nuôi tôm.

Đối với vùng ngọt, hệ thống các cống từ Láng Tròn đến Đông Nàng Rền và các cống phân ranh mặn - ngọt ở các huyện Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân sẽ được đóng lại để giữ ngọt ổn định. Đồng thời, các cống này cũng xổ nước ra khi phía thượng lưu cống bị rò rỉ mặn và ô nhiễm để chống xâm nhập mặn.

Bên cạnh các giải pháp trên, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân ở các vùng nuôi tôm nên thường xuyên theo dõi lịch điều tiết nước để kịp thời lấy nước vào ao nuôi. Nông dân cần tăng cường nạo vét các kênh thủy lợi, thủy nông nội đồng để chủ động nguồn nước bơm tát. Đối với các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, bà con cần nhanh chóng thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân khi có điều kiện, chủ động nắm lịch thời vụ để chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu…

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, nói: “Để đảm bảo đủ nước cho người nuôi tôm ở huyện Giá Rai, mùa khô năm nay, các cống lớn như Hộ Phòng, Giá Rai sẽ được mở một chiều lấy nước vào; sau đó đóng lại để giữ nước, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nông dân nuôi tôm. Riêng vùng ngọt, ngành Nông nghiệp ước tính, vụ hè thu này, toàn tỉnh sẽ có hơn 56.780ha lúa. Do vậy, việc ngăn mặn, giữ ngọt đang được gấp rút thực hiện. Hiện nay, mực nước ngọt từ sông Hậu đổ về ngã tư Ninh Quới đạt mức 0,15m nên nguy cơ xâm nhập mặn không cao. Tuy nhiên, nông dân cần phải bám sát lịch thời vụ để chủ động nguồn nước sản xuất vụ lúa hè thu”.

Đã đến lúc ngành Nông nghiệp tỉnh cần tính lại bài toán trong việc cung cấp nước cho con tôm và ngăn mặn cho cây lúa. Bởi, những giải pháp hiện nay chỉ mang tính tình thế, chứ chưa thật sự là giải pháp bền vững.

Phạm Đoàn - Kim Trung

Huyện Phước Long: Chủ động ứng phó xâm nhập mặn

Hằng năm, cứ vào mùa khô thì quá trình xâm nhập mặn lại diễn ra, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân các xã vùng ngọt ổn định ở huyện Phước Long. Vì vậy, huyện đã có kế hoạch tập trung thu hoạch lúa đông xuân, và đến nay nông dân cơ bản đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, nếu xảy ra xâm nhập mặn thì sẽ gây khó khăn cho quá trình xuống giống vụ hè thu.

Theo ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, để chủ động ứng phó, ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung ngăn mặn, giữ ngọt bằng nhiều biện pháp. Đó là thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các sông lớn và cống đầu mối phân ranh mặn - ngọt; điều tiết nước ngăn mặn, giữ ngọt theo lịch của Ban chỉ đạo điều tiết nước tỉnh; tăng cường kiểm tra các cống để đảm bảo không xảy ra rò rỉ xâm nhập mặn; đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi, kiểm tra gia cố các ô đê bao khép kín, các trạm bơm nước sẵn sàng hoạt động để đảm bảo nước cho nông dân sản xuất lúa hè thu…

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân chủ động ứng phó với xâm nhập mặn như nắm vững lịch thời vụ để xuống giống lúa hè thu; nạo vét các kênh thủy nông nội đồng; gia cố bờ bao trữ nước ngọt trên đồng ruộng; xuống giống đồng loạt; gieo sạ các giống lúa chủ lực theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp huyện…

P.Đ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.