Hạt lúa Bạc Liêu: Mỏi mòn tìm kiếm đầu ra

Thứ Hai, 30/03/2015 | 09:34

Trong khi nông dân vẫn phải đối phó với việc thiếu nước ngọt trồng lúa, vụ đông xuân này, hạt lúa tiếp tục đứng trước nguy cơ không có đầu ra. Ngoài việc lao đao với bài toán giá cả, chi phí, nông dân còn phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho hạt lúa.

Héo lòng cùng lúa đông xuân

Dưới cái nắng gay gắt tháng 3, những cánh đồng lúa vụ đông xuân như đang bị thiêu đốt từng ngày. Nhiều nơi, nước ở các kênh nội đồng, kênh cấp 3 đã khô cạn. Nhìn cánh đồng lúa oằn mình héo đi qua từng ngày nắng, nhiều nông dân không khỏi xót xa cho công sức lao động của mình suốt mấy tháng trời.

Nông dân xã Ninh Quới A (huyện Hồng Dân) vận chuyển lúa ra bờ sông để bán cho thương lái. Ảnh: P.Đ

Còn nước còn tát, nông dân tập trung hàng trăm chiếc máy bơm nước để mong vét được lượng nước ít ỏi còn lại để cứu lúa. Song, tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, hơn 46.630ha lúa đông xuân của Bạc Liêu sẽ bị giảm năng suất do thiếu nước là điều khó tránh khỏi.

Đắp đập bơm chuyền là giải pháp tình thế để cứu lúa ở những địa phương may mắn còn nước để vét. Còn ở những vùng tranh chấp mặn - ngọt, cây lúa đành phải phơi thân nằm chịu hạn.

Ông Đỗ Ngọc Hào (ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) cho biết: “Do thiếu nước gần 1 tháng nay, 13 công lúa của tôi lá lúa cháy héo. Vụ đông xuân năm trước năng suất đạt hơn 70 giạ/công, còn năm nay chỉ đạt hơn 50 giạ/công. Có lúa rồi, giờ thì lo lúa bán không được, vì sông không còn nước, thương lái không vào thu mua”.

Lúa mất mùa, mất giá

Từ lâu nông dân Bạc Liêu đã quen với cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tuy nhiên, vụ đông xuân này bà con phải đối mặt với một thực tế cay đắng là mất mùa lẫn giá. Giá lúa tại ruộng những ngày qua dao động từ 4.400 - 4.600 đồng/kg lúa tươi và từ 4.800 - 5.300 đồng/kg lúa khô.

Anh Hồ Văn Kỳ (ấp Trần Nghĩa, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) than thở: “Không tính công bỏ ra, các khoản chi đã hơn 3,5 triệu đồng/công. Như vậy, năng suất phải từ 65 giạ lúa/công trở lên nông dân mới có lời. Nắng hạn thế này năng suất lúa khó đạt tới mức đó. Bên cạnh đó, giá lúa lại giảm nên chuyện lãi 30% là điều chỉ có trong mơ!”.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 9.000ha lúa được thu hoạch và chưa có ai dám đảm bảo rằng, trong những ngày tiếp theo (khi nông dân thu hoạch rộ) giá lúa sẽ tăng. Anh Huỳnh Bá Hiển, chủ DNTN Tài Lợi (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), chuyên thu mua và xay xát lúa gạo, cho rằng: “Theo kinh nghiệm của tôi, giá lúa sẽ không tăng. Năm nào cũng vậy, lúc nông dân thu hoạch rộ thì giá lúa giảm vì lượng lúa hàng hóa quá nhiều. Đặc biệt là những năm mực nước sông thấp như hiện nay, do việc vận chuyển lúa rất khó nên giá lúa có thể giảm”.

Người bán được lúa còn than thở là giá lúa rẻ, nhưng với những nông dân không thể bán được lúa thì khó khăn sẽ chồng chất. Bà con gọi vụ đông xuân này là vụ mùa “3 đợi” (đợi nước, đợi thương lái và đợi giá). Nông dân đợi nước để cứu lúa chờ thu hoạch. Song, khi thu hoạch lúa thì phải tiếp tục đợi giá và đợi ghe thương lái vào mua. Mực nước các sông ngòi xuống thấp thì giá lúa cũng bị kéo xuống theo do thương lái cộng thêm phần chi phí vận chuyển.

Ngồi bên đống lúa vừa thu hoạch, chị Châu Thị Thoại (ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) nói: “Lúa thu hoạch rồi mà tôi không có tiền trả nợ vật tư. Có nơi thương lái ký hợp đồng, đặt tiền cọc xong rồi lại không thu mua. Lý do là họ không vào được để vận chuyển lúa, hoặc vì không có lời. Còn một chuyện đau lòng là chúng tôi phải bán lúa khô theo giá của lúa tươi!”.

Cần đẩy mạnh liên kết

Vào thời điểm này, các doanh nghiệp đang triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chủ trương của Chính phủ, nhưng giá lúa vẫn nằm ở mức thấp. Thương lái cũng không tha thiết với việc thu mua lúa của nông dân.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ (thương lái mua lúa ở chợ Vĩnh Phú, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Nông dân cứ nói thương lái ép giá, nhưng thử hỏi, nếu doanh nghiệp không mua lúa thì thương lái thu mua lúa để bán cho ai? Giá lúa không phải do thương lái quy định. Giá lúa lên hay xuống là tùy vào nhu cầu thu mua của các chợ đầu mối với các nhà máy xay xát. Nước cạn, ghe lớn không vào được, thương lái phải dùng phương tiện nhỏ vận chuyển. Nếu chúng tôi mua lúa ngoài sông lớn thì đâu phải chịu khoản chi phí phát sinh này. Thương lái chỉ là một mắc xích nhỏ trong quy trình tiêu thụ lúa gạo. Chúng tôi không thể tự nâng giá lúa khi giá lúa trên thị trường thấp, rồi phải chịu lỗ”.

Như vậy, giá lúa ở Bạc Liêu nói riêng và ĐBSCL nói chung thấp là do đâu? Và vì sao kích cầu mà giá lúa không tăng? Chị Phan Thị Hồng, chủ doanh nghiệp Nghệ Thành (thị trấn Châu Hưng), chuyên thu mua và xay xát lúa gạo, bày tỏ: “Giá lúa tăng hay giảm là do nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường trong và ngoài nước. Nếu nhu cầu lúa gạo tăng thì giá lúa tăng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi không thể tiếp cận được các chương trình kích cầu của Chính phủ. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ vốn thu mua lúa gạo và tìm đầu ra để bán. Chúng tôi không thể làm như những công ty lớn là xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân, rồi đưa hạt gạo đi xuất khẩu. Bởi, chúng tôi không đủ vốn và nhân lực”.

Chuyện nông dân hưởng lợi từ việc bán lúa trực tiếp khi liên kết với doanh nghiệp không phải là quá khó nếu như mối liên kết doanh nghiệp - nông dân được thúc đẩy. Khi đó hạt lúa sẽ có đầu ra ổn định với giá cao. Anh Huỳnh Văn Mụi (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) nói: “Vụ đông xuân này, tôi có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc. Khi thu hoạch lúa, dù nước sông cạn kiệt, nhưng công ty vẫn làm đúng hợp đồng thu mua lúa tại ruộng với 5.300 đồng/kg (cao hơn giá thị trường). Tôi thấy đầu ra hạt lúa rất ổn định”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa gạo của nông dân trong tỉnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông Đặng Văn Xê, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi, nhấn mạnh: “Đẩy mạnh mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp là việc rất cần thiết. Đặc biệt, chúng ta cần chú trọng những doanh nghiệp vừa và nhỏ vì phần lớn nông dân vẫn bán lúa cho các doanh nghiệp này. Làm tốt liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp sẽ giúp đầu ra hạt lúa ổn định, đời sống nông dân phát triển. Đồng thời giúp ngành Nông nghiệp không phải năm nào cũng bỏ vốn thu mua tạm trữ lúa gạo để kích cầu”.

Phạm Đoàn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.