Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Thứ Sáu, 28/08/2015 | 16:26

Dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng (giáp với Bạc Liêu). Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời phun thuốc sát trùng chuồng trại để phòng chống bệnh dịch lây lan.

Tiêm vắc-xin phòng dịch
Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức các đợt tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm, đồng thời đề nghị Cục Thú y hỗ trợ thêm 700.000 liều vắc-xin. Sau khi nhận được vắc-xin hỗ trợ, Chi cục Thú y tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố tiêm phòng đợt bổ sung cho các đàn gia cầm nuôi mới. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống cúm cho 1,3 triệu con gia cầm; tiêm phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng cho trên 200 con heo.

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng chống dịch cúm gia cầm ở xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình). Ảnh: M.Đ

Điển hình trong công tác tiêm vắc- xin phòng chống dịch cúm gia cầm là huyện Hòa Bình. Toàn huyện có tổng đàn gia cầm hơn 100.000 con gia cầm, đến nay cán bộ thú y huyện đã tiêm vắc-xin được hơn 40.000 con. Hiện, huyện đang mở cao điểm tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới.

Anh Nguyễn Giải Phóng (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) là người nuôi vịt chạy đồng nhiều năm nay. Trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát nên gần đây anh Phóng giảm đàn vịt nuôi từ vài ngàn con xuống còn vài trăm con. Anh Phóng cũng đã thay đổi cách nuôi: từ nuôi vịt chạy đồng thành nuôi vịt “khoanh vùng”. Anh Phóng cho biết: “Mấy năm trước tôi đã tiêu hủy cả ngàn con vịt do dịch bệnh. Vì vậy, tôi rất sợ dịch cúm gia cầm. Bây giờ tôi không còn nuôi đàn vịt lớn cho chạy đồng nữa, mà mỗi vụ lúa tôi nuôi vài trăm con để tăng thu nhập. Tôi mới bắt 200 con vịt giống về nuôi được gần một 1 tháng, và đàn vịt đã được tiêm phòng vắc-xin”.

Huyện Hòa Bình đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin để bảo vệ đàn gia cầm trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát. Từ nay đến cuối tháng 9/2015 là cao điểm tiêm vắc-xin ở huyện này.

Bên cạnh đó, huyện Hòa Bình cũng mở các lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho các thành viên ban chỉ đạo các xã, trưởng ấp. Theo ông Phạm Duy Tạo, Trưởng trạm Thú y huyện Hòa Bình: “Huyện vừa mở 2 lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho cán bộ xã, ấp. Qua đó, giúp các địa phương kịp thời phối hợp với ngành chức năng khoanh vùng dập dịch khi xảy ra dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.

TIÊU ĐỘC SÁT TRÙNG, VỆ SINH CHUỒNG TRẠI

Ngoài việc tăng cường tiêm vắc-xin tạo sức đề kháng, bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm, Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo các trạm thú y huyện, thị và thành phố tổ chức tiêu độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Các trạm thú y huyện, thị và thành phố tổ chức phun xịt thuốc, đồng thời cấp phát thuốc sát trùng cho các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để phun xịt sát trùng định kỳ.

Hợp tác xã (HTX) Kinh tế xanh Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) nuôi khoảng 6.000 con heo. Đây là cơ sở chăn nuôi thực hiện rất tốt từ khâu tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn heo và tiêu độc sát trùng chuồng trại. Anh Ngô Thoại, cán bộ thú y của HTX chia sẻ: “Định kỳ từ 1 - 2 tuần, HTX phun thuốc sát trùng toàn bộ trang trại để tiêu diệt mầm bệnh nhằm bảo vệ đàn heo”.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc phun thuốc sát trùng cũng được cán bộ thú y nhắc nhở thường xuyên. Hộ ông Huỳnh Văn Đáng (ấp Nhà Việc, Xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) nuôi khoảng 10 con heo và vài chục con vịt. Những năm trước, vịt và heo ông Đáng nuôi hay mắc bệnh. Từ khi phun thuốc sát trùng (mỗi tuần ít nhất một lần) thì vịt và heo không còn mắc bệnh nữa.

Ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho rằng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chi cục đang mở đợt tiêu độc khử trùng trên diện rộng trong toàn tỉnh và đề nghị các trạm thú y huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch phun xịt thuốc sát trùng ở các xã, phường, thị trấn. Còn các xã, phường, thị trấn thì thành lập tổ phun xịt thuốc. Các tổ này có nhiệm vụ đến tận hộ chăn nuôi, trang trại để phun xịt thuốc sát trùng. Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị các loại hóa chất, hướng dẫn tổ phun xịt và người chăn nuôi phun xịt thuốc sát trùng để ngăn ngừa các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.