Liên kết sản xuất: Nhu cầu tất yếu cho phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ Hai, 11/01/2016 | 16:50

Có thể nói, một trong những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp lâu nay chính là đầu ra của sản phẩm. Vấn đề nóng hổi tính thời sự này cứ được “hâm đi hâm lại” nhiều lần trong nhiều hội thảo và các diễn đàn hợp tác kinh tế. Thế nhưng, đầu ra cho hàng nông sản vẫn bị tắc, thị trường vẫn bị các thương lái Trung Quốc thao túng và phần lớn nông dân không cầm chắc lợi nhuận, luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những nội dung quan trọng của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là xây dựng mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nhằm đảm bảo lợi ích cho nông dân và cả doanh nghiệp là rất quan trọng. Việc làm này cũng là nhu cầu tất yếu cho hội nhập kinh tế và đáp ứng các quy định, rào cản khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng nông - thủy sản.
Cùng với tái cơ cấu, Bạc Liêu sẽ xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó xây dựng thành công chuỗi giá trị sẽ là tiên phong cho mô hình này.

 

AI NẤY LÀM

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo đầu ra cho hàng nông - thủy sản, thời gian qua Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức nhiều diễn đàn hợp tác kinh tế (MDEC). Thế nhưng, đầu ra của hàng nông - thủy sản vẫn chưa thông và các cam kết của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng với người nông dân vẫn còn là lời hứa.

Minh chứng là trong nhiều năm qua, một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu tại các hội thảo vẫn là đầu ra của hàng nông - thủy sản. Tuy nhiên, nông dân vẫn than vãn vì cảnh trúng mùa - mất giá và luôn bị động về sản xuất. Tồn tại thực trạng trên bao gồm nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là chưa tạo được tiếng nói chung, còn tình trạng mạnh ai nấy làm, chạy theo lợi nhuận đơn phương mà không quan tâm đến lợi ích toàn cục và phát triển bền vững. Bất cập này rất dễ thấy trong tranh mua, tranh bán ở con tôm xuất khẩu. Như trong thu mua con tôm nguyên liệu thì các doanh nghiệp mạnh ai nấy kêu giá, còn khi bán ra thì tranh giá bán hạ đến từng đồng làm cho lợi nhuận mang lại ít, rủi ro cao. Vấn nạn này đã được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cảnh báo và tổ chức nhiều hội thảo, cũng như yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết kiên quyết không thu mua tôm tạp chất, không bán phá giá và cả giá thu mua, nhằm tạo tiếng nói chung, góp phần nâng cao chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu...

Song, nhiều doanh nghiệp vẫn “vô tư” phá vỡ cam kết và đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nhiều đại gia, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải phá sản, nợ nần, do sản xuất rủi ro cao, lợi nhuận thấp. Ông H.V.B, Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TX. Giá Rai, khẳng định: “Chẳng cần đến các doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh, chỉ tính riêng các doanh nghiệp của mình tranh mua, giành bán thôi cũng tự giết nhau đến chết rồi. Không phá sản sao được, khi thu vào thì mua giá cao, còn xuất ra thì bán giá rẻ, thử hỏi làm sao mà phát triển nổi”.

Đây được coi là thực trạng trong chế biến xuất khẩu thủy sản lâu nay và cũng là nguyên nhân chính làm cho các thương lái Trung Quốc có cơ hội thao túng thị trường, càng đẩy giá thu mua nguyên liệu lên cao.

Nông dân huyện Hòa Bình tập kết dưa hấu và chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: K.T

Diêm dân vất vả làm ra hạt muối nhưng luôn gặp khó ở khâu tiêu thụ. Trong ảnh: Thu hoạch muối ở huyện Đông Hải. Ảnh: K.T

PHẢI LIÊN KẾT

Xác định tầm quan trọng của liên kết sản xuất, trong năm 2015 Bạc Liêu đã vận động nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với nông dân theo mô hình từ cánh đồng đến nhà máy và mô hình liên kết này sẽ được nhân rộng trong năm 2016. Như liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao của Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc - Hồng Dân (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), Công ty Lương thực Bạc Liêu, Công ty Quốc Tế Gia... Hay xây dựng vùng nguyên liệu cung cấp tôm sạch giữa Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản Thiên Phú (TX. Giá Rai) với nông dân xã Định Thành (huyện Đông Hải)...

Tuy nhiên, để liên kết phát huy hiệu quả và ngày càng gắn chặt hơn nữa mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân thì không thể không làm tốt vai trò và tầm quan trọng của liên kết vùng. Bởi nông dân và các doanh nghiệp của Bạc Liêu vẫn bị chi phối bởi mặt bằng giá chung, cũng như không thể định giá cho hàng hóa khi sản lượng, chất lượng vẫn còn đạt thấp so với các tỉnh, thành khác trong khu vực ĐBSCL. Như sản xuất lúa được coi là thế mạnh mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu, nhưng tổng sản lượng chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, vẫn thấp hơn so với nhiều tỉnh khác như: An Giang hơn 4 triệu tấn/năm, Đồng Tháp hơn 3 triệu tấn/năm, Sóc Trăng 2 triệu tấn/năm...

Không chỉ có liên kết vùng, mà liên kết ấy cần đẩy mạnh lên thành các liên kết liên vùng và cả quốc gia. Nếu không, mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ khó phát huy hiệu quả khi sự liên kết này nhanh chóng bị bẻ gãy và chuyện mạnh ai nấy làm sẽ mãi là bài toán không có lời giải. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm các doanh nghiệp của Việt Nam phải tốn hàng tỷ USD cho việc nhập bắp và đậu nành phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp và hoàn toàn có thể sản xuất bắp và đậu. Hay Việt Nam là xứ muối, nhưng cớ sao cứ phải nhập muối? Đáng lẽ số tiền hàng tỷ USD đó phải nằm trong túi của nông dân Việt Nam, thay vì giúp nông dân các nước khác làm giàu!?

Vậy, trong quy hoạch phát triển chung của ngành Diêm nghiệp có thể đưa Bạc Liêu trở thành “mỏ muối” của cả vùng, hoặc nơi cung cấp muối cho cả nước được không? Hay với nhiều mô hình đột phá trong nuôi tôm thâm canh, các bộ, ngành cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ giúp Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp hàng đầu của cả nước...

Phản ánh bất cập trên để thấy rằng, vai trò của liên kết là cực kỳ quan trọng và thật sự là yếu tố quyết định sống còn của tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, liên kết chỉ phát huy hiệu quả khi có sự thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu tất yếu để ngành Nông nghiệp Việt Nam chủ động hội nhập, chủ động đầu ra và tự định giá cho sản phẩm của mình chứ không phải là “sân sau” của các nước.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.