Nhịp sống đô thị

Xây dựng cánh đồng lớn: Doanh nghiệp và nông dân cần “bắt tay” thực hiện

Thứ Tư, 29/06/2016 | 16:53

Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và hướng đến xây dựng nông nghiệp đô thị, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất trồng trọt trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn khi sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đang phải đối mặt với tập quán sản xuất nhỏ, hạ tầng đầu tư thiếu đồng bộ và gần như chưa có sự liên kết nào.

Nhiều lợi thế

TP. Bạc Liêu có nhiều lợi thế cho phát triển và xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong phát triển trồng trọt. Ngoài vị trí nằm gần các chợ đầu mối, giao thông kết nối với nhiều nơi trong việc cung cấp hàng nông sản, thành phố còn có diện tích canh tác rau màu lớn nhất tỉnh với gần 840ha, tập trung chủ yếu ở các xã, phường vùng ven như: xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành, phường Nhà Mát… Trong  đó, nhiều loại rau màu cho chất lượng, năng suất cao và có thương hiệu, được chứng nhận rau an toàn như: ngò rí Bạc Liêu, cải rổ, hành tím, hẹ, măng tây…

* Nông dân xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) chăm sóc rau màu.

* Rau củ quả nhập từ các tỉnh khác vào bán tại Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Bên cạnh đó, về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đến nay thành phố đã quy hoạch các vùng, tiểu vùng sản xuất cây chủ lực, cây thế mạnh của vùng gắn với nhiều chính sách xây dựng, định hướng phát triển cho sản xuất. Đồng thời xây dựng hệ thống kênh mương, cống ngăn mặn, xả úng... phục vụ tưới tiêu. Hệ thống đường ở các phường, xã khá hoàn chỉnh; các vùng, tiểu vùng sản xuất đều có đường giao thông nông thôn phục vụ vận chuyển hàng hóa cho nông dân; gần 100% người dân có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất… Đây là những điều kiện thuận lợi cho thành phố phát huy thế mạnh trồng trọt. Song, các lợi thế này chưa được chú trọng, sản xuất vẫn trong tình trạng bấp bênh, yếu kém, gặp nhiều rủi ro, thiếu bền vững; người sản xuất lợi nhuận không ổn định…

Một thực tế trở thành nỗi trăn trở trong sản xuất rau màu lâu nay chính là nạn “gánh củi về rừng”. TP. Bạc Liêu là vùng chuyên canh hoa màu, có thể sản xuất nhiều loại rau màu cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, TP. Bạc Liêu cứ phải nhập rau màu từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ cũng như phân phối lại cho các tỉnh, thành khác. Trong khi đó bản thân người trồng màu lại nghèo và nhiều lúc phải nhổ bỏ rau màu làm thức ăn cho cá…

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân cơ bản của nghịch lý này vẫn là thiếu sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Bởi đối với vùng chuyên màu, vai trò của Nhà nước trong khâu tổ chức sản xuất, đầu tư hạ tầng, hoặc nhà khoa học trong tập huấn, chuyển giao mô hình, ứng dụng công nghệ sản xuất mới đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất của nông dân. Vấn đề còn lại chính là sự liên kết sản xuất và “cái bắt tay” thật chặt giữa doanh nghiệp và nông dân.

Từ lâu TP. Bạc Liêu đã thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX-THT) sản xuất rau màu. Thậm chí, Hội Nông dân tỉnh và thành phố có cả một chương trình liên kết với doanh nghiệp đưa rau màu vào siêu thị. Rồi đích thân đồng chí Dương Thành Trung, Chủ  tịch UBND tỉnh cũng mời gọi các doanh nghiệp TP. HCM về giúp nông dân địa phương tiêu thụ rau màu… Tuy nhiên, những việc làm ấy đều không mang lại kết quả và nguyên nhân vẫn là thiếu khâu liên kết và tổ chức sản xuất.

Đơn cử như trong xây dựng các HTX-THT gần như chỉ dừng ở khâu tập trung nông dân  sản xuất, chứ chưa phát huy được vai trò của liên kết. Nhiều hộ nông dân tham gia HTX-THT chỉ nhằm tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, hoặc nhận được sự hỗ trợ nào đó từ Nhà nước, chứ chưa xem đây là nơi liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra hàng hóa lớn. Bên cạnh đó, các HTX-THT chưa phát huy được vai trò trong xây dựng chuỗi sản xuất từ khâu cung ứng đến tiêu thụ, chưa có mô hình quản lý khoa học để thu hút và tạo niềm tin cho nông dân…

Từ lý do này mà các HTX-THT vẫn không thể sản xuất ra hàng hóa lớn cung ứng theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời vấn nạn “mạnh ai nấy làm” khiến cho sản xuất manh mún, không thể cung ứng số lượng nông sản lớn khi thị trường cần.

Ngoài yếu kém trong tổ chức sản xuất, đến nay TP. Bạc Liêu vẫn chưa có những doanh nghiệp lớn hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Chợ Cầu Xáng tuy được gọi là chợ đầu mối hàng nông sản, nhưng thực chất chỉ là điểm tập kết trung chuyển hàng hóa. Nông dân vẫn phải tự tìm kiếm thị trường, không thể định giá cho hàng hóa của mình, và sản phẩm làm ra cứ phải theo cái kiểu “may nhờ rủi chịu”!

Ngoài những bất cập trên, TP. Bạc Liêu vẫn thiếu những chính sách mang tính “cú hích” của Nhà nước cho các xã vùng ven phát triển; đầu tư về hạ tầng phục vụ sản xuất chưa theo kịp nhu cầu phát triển; tình trạng ngập úng cục bộ hoặc thiếu nước ngọt khi hạn mặn vẫn còn xảy ra; doanh nghiệp chưa thấy hấp dẫn hay an tâm trong liên kết sản xuất với nông dân…

Để kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn từ nay đến năm 2020 thành công và mở ra hướng đi mới cho sản xuất hoa màu, những vấn đề trên cần được TP. Bạc Liêu tháo gỡ. Đồng thời, gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn là cần xây dựng các khu nông nghiệp sản xuất công nghệ cao.

LƯ DŨNG

Để thực hiện tốt Kế hoạch số 72/KH-UBND về xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP. Bạc Liêu yêu cầu các ngành và địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Thông tin, tuyên truyền: Kết hợp với các ban ngành, đoàn thể phường tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn bằng nhiều hình thức.

- Đổi mới tổ chức sản xuất trồng trọt: Khuyến khích nông dân sử dụng các loại giống có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu, xuống giống đồng loạt, hạn chế sử dụng thuốc hóa học.

- Phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.

- Phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

- Phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông nông thôn, lưới điện phục vụ sản xuất trồng trọt: Đề nghị các ngành chức năng đầu tư hệ thống lưới điện, sên vét các kênh thủy lợi - thủy nông nội đồng, xây dựng các ô thủy lợi khép kín.

- Đẩy mạnh chế biến, bảo quản, áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, mùa vụ sản xuất.

- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

- Cơ chế, chính sách: Tranh thủ với các ngành chức năng hỗ trợ các chương trình thí điểm, mô hình trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.