Dư âm thời hoa đỏ

Thứ Hai, 25/07/2016 | 16:55

Không biết từ khi nào, người ta đã gọi thời hào hùng ấy với tên gọi “thời hoa đỏ”. Thời hào hùng của những trang sử đấu tranh vẻ vang bất khuất giành độc lập tự do, thống nhất nước nhà, và những mất mát, hy sinh từ trong đó cũng mang tên gọi hào hùng. 

Nếu tháng Chín mùa thu gợi nhớ màu nắng Ba Đình của thủ đô Hà Nội tràn ngập hoa vàng - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tháng Tư lịch sử làm sống lại hào khí “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”… thì Việt Nam còn có một tháng Bảy để trầm lắng mà tưởng nhớ những anh linh liệt sĩ, tri ân những thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đã đóng góp nhiều vô kể cho độc lập dân tộc!
Tháng Bảy lại được nghe nhiều hơn để xúc động sâu hơn những bài ca hát về một thời hoa đỏ. Tất cả chỉ còn là dư âm mà cứ như câu chuyện mới hôm qua làm lòng ta thổn thức! “Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con…”. Lần  nào nghe ca khúc “Người mẹ của tôi” (nhạc sĩ Xuân Hồng), tôi cũng xúc động bồi hồi! Những Mẹ VNAH như người mẹ trong khúc ca ấy có thể không là thương binh, liệt sĩ, nhưng có những hy sinh, mất mát còn đớn đau nhiều hơn sự chết! “Mẹ đang cô đơn”… Vâng! Những người Mẹ VNAH ấy mãi đang cô đơn khó gì bù đắp được…

Cư sĩ Thích Quảng Thiệt thắp hương cho các Mẹ VNAH và nghệ sĩ. 
Ảnh: N.Q

Tôi chưa đặt chân đến Côn Đảo lần nào nhưng đã nghe kể nhiều về phần mộ linh thiêng của người liệt nữ anh hùng mang tên Võ Thị Sáu. Câu chuyện lịch sử về chị Sáu thì ngay những năm học đầu đời, mỗi học sinh cũng đều biết qua đoạn thơ trích trong “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đóa hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc…”. Người liệt nữ trong giây phút hy sinh cứ như một thiên thần với sự dung dị, trẻ trung, rạng ngời, không mảy may lo sợ… Giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Thanh Thúy khi ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” cứ như gửi lại đời sau lời nhắn nhủ không - được - lãng - quên: “Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lui…".
Hát về người thương binh, hình ảnh anh thương binh ngày hòa bình trở về làng làm thầy giáo mỗi ngày đi về in từng vết chân tròn trên cát là hình tượng đẹp lung linh và đầy chất lãng mạn! “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi…”. Người nghe chưa hết bất ngờ với vết chân tròn, ở đây không là vết chân của anh thương binh, mà là dấu vết của chiếc nạng anh đang mang; rồi lại ngạc nhiên khi “Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương”, anh đến trường làng không chỉ dạy chữ mà còn dạy hát về những bài hát quê hương, những bài hát “có ngọn núi quê anh xa vời”, “có đồng lúa mênh mang câu hò”,“có người lính đã hy sinh âm thầm, cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn…”, là anh đang dạy các em thơ về tình yêu quê hương đất nước! Và sự tương phản giữa “gót chân son” và “dấu chân tròn” cứ như những mùa trái ngọt gặt hái từ những mất mát một thời… Thật cảm phục nhạc sĩ Trần Tiến đã viết nên những lời ca vô cùng thâm thúy! 
Dư âm từ những ca khúc hát về thời hoa đỏ, những bản anh hùng ca ấy cho thế hệ hôm nay thấy rằng: trong ánh đỏ của màu lửa khói đạn bom, đỏ và sáng hơn nhiều là khí thế quật cường, tinh thần sục sôi trong từng con người Việt Nam khi chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Cũng từ dư âm đó, chúng ta biết nhận ra trách nhiệm của mình, hôm nay và mai sau…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.