Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử: Quan tâm đào tạo thế hệ trẻ

Thứ Sáu, 26/05/2017 | 16:24

Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) được Bạc Liêu tích cực thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Tuy nhiên, quê hương bản Dạ cổ hoài lang cần nhìn nhận một thực tế là lực lượng kế thừa cho loại hình nghệ thuật này hiện rất khiêm tốn, một bộ phận giới trẻ có biểu hiện “quay lưng” với ĐCTT. Do đó, việc bồi dưỡng tình yêu, kỹ năng biểu diễn ĐCTT cho bạn trẻ là vấn đề cần được quan tâm hơn trong tình hình hiện nay.

Sau khi Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật ĐCTT Nam bộ giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được triển khai, các hoạt động thiết thực về ĐCTT được tổ chức khá sôi nổi tại hầu hết các địa phương trong tỉnh. Điển hình là việc thành lập các câu lạc bộ (CLB), mở lớp dạy ĐCTT căn bản cho cán bộ - giáo viên - học sinh - sinh viên - đoàn viên - thanh niên, tập huấn nâng cao kỹ năng cho nghệ nhân đờn, tổ chức hội thi, liên hoan, tuyên truyền… Trong đó, giới trẻ luôn là đối tượng trung tâm được hướng đến trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc tài tử Bạc Liêu. Từ những việc làm tích cực này bước đầu đã làm trổi dậy tình yêu, góp phần giúp niềm đam mê ĐCTT trong bạn trẻ có điều kiện phát triển. 
Tuy nhiên, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng cần có thời gian, sự quan tâm thường xuyên; và đối với ĐCTT thì 2 yếu tố đó lại càng quan trọng hơn. Tuy các hoạt động nhằm cố gắng đưa ĐCTT đến gần hơn với bạn trẻ vẫn được tổ chức, nhưng số lượng và chất lượng ngày càng giảm dần. Được biết từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ mở được một số lớp dạy ĐCTT, trong đó là 6 lớp dành cho học sinh tiểu học của TP. Bạc Liêu vào cuối 2016. Ngoài ra, hoạt động của nhiều CLB ĐCTT, nhất là ở trường học, tổ chức Đoàn vẫn đang trong tình trạng cầm chừng, thậm chí có nơi “chết yểu”. Đáng lo ngại, sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác cũng là những nguyên nhân khiến giới trẻ không mặn mà với ĐCTT. N.T, thành viên CLB ĐCTT Trường đại học Bạc Liêu, chia sẻ: “Trước đây, sinh hoạt của CLB diễn ra đều đặn mỗi tháng 1 - 2 lần, thu hút lượng sinh viên đam mê ĐCTT khá đông. Tuy nhiên, nhiều thành viên chủ chốt đã lần lượt ra trường nên không còn “thủ lĩnh” dẫn dắt, duy trì hoạt động. Ngoài ra, ngành chức năng cũng không thường tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng, làm cho tình yêu và đam mê ĐCTT trong sinh viên dần phai nhạt”.

Bé Tú Sương là một trong số ít tài tử nhí tài năng của phong trào ĐCTT Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Nội dung cốt lỗi được đề án hướng đến là thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Muốn như thế, Bạc Liêu cần xây dựng và phát triển một thế hệ kế thừa đảm bảo mạnh về số lượng và chất lượng. Do đó, công tác đào tạo tài tử trẻ và “gieo” tình yêu ĐCTT vào lòng bạn trẻ có vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Trách nhiệm của ngành chức năng là phải làm thế nào để giới trẻ yêu thích nghệ thuật ĐCTT, rồi học và nhớ các bài bản. Đặc biệt, cần có giải pháp giáo dục giúp giới trẻ tự hào và nhận thấy trách nhiệm bảo tồn ĐCTT; gắn các CLB, nghệ nhân với trường tiểu học, THCS ở các phường, xã trong tỉnh nhằm vực dậy, duy trì và phát triển phong trào”.
Bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT trong giới trẻ gặp khó khăn đang là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ. Vì vậy, việc tạo ra lớp tài tử trẻ đầy tài năng, xứng đáng kế thừa trọng trách gìn giữ sức sống ĐCTT trong tương lai là việc không dễ dàng. Thế nhưng, Bạc Liêu với vị thế là một trong những “cái nôi” quan trọng của nghệ thuật ĐCTT phương Nam sẽ hoàn toàn thực hiện được điều đó nếu vào cuộc một cách tâm huyết, đồng bộ và trách nhiệm hơn nữa.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.