Giáo dục - Học Đường

Cuộc sống học sinh, sinh viên thời “bão” giá

Thứ Sáu, 04/05/2012 | 19:54

Dè xẻn, tiết kiệm, cắt giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết; đạm bạc hóa bữa cơm hàng ngày… là những giải pháp mà nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV) chọn lựa để đương đầu với cơn “bão” giá đang “hoành hành” trên diện rộng.

HS-SV “thắt lưng buộc bụng”

Đến phòng trọ của bạn Nguyễn Mỹ D. (sinh viên trường Đại học Bạc Liêu) đúng lúc bạn đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Nói bữa cơm cho oai chứ thật ra chỉ vài cọng rau luộc, 2 gói mì tôm, 2 cái trứng chiên - khẩu phần cho cả ba người. Những món ăn thường trực này bao giờ cũng có trong thực đơn của sinh viên và là “người bạn đường” không thể thiếu trên hành trình cùng họ đương đầu với “bão” giá.

Chuẩn bị bữa ăn của sinh viên thời bão giá. Ảnh: K.C

Còn nhớ, cách đây chỉ khoảng 2 năm, với số tiền chu cấp của gia đình 1 triệu đồng/tháng, nhiều bạn sinh viên đã có một cuộc sống khá thoải mái, thì nay, cũng với số tiền ấy chỉ đủ để họ trang trải tiền nhà trọ, chi phí sách vở, học hành. Nếu tháng nào chẳng may “dính” vài cái sinh nhật, đám cưới… thì những ngày cuối tháng sẽ đồng nghĩa với việc “đói xanh xương”. Những cuộc vui với bạn bè nơi quán xá, những chiều la cà uống cà phê hay thói quen ăn quà vặt… giờ trở thành... xa xỉ. Bạn D. chia sẻ: “Giá các mặt hàng nhu yếu phẩm cứ liên tục tăng, tiền xăng, tiền trọ cũng nhích dần theo cơn “bão” giá. Vì vậy, tụi em phải lên kế hoạch chi tiết cho các khoản chi tiêu, cắt giảm hết các khoản chi không cần thiết. Vậy mà có tháng vẫn bị thâm hụt, phải cầu cứu gia đình viện trợ thêm…”.

Cùng tâm trạng, bạn Trần Bích L. (sinh viên trường Cao đẳng Y tế) tâm sự: “Nói ra nghe có vẻ buồn cười, nhưng nhiều khi về nhà tụi em tranh thủ “vơ vét” được gì thì vơ vét. Khi thì gạo, gia vị, đồ dùng sinh hoạt; khi thì nồi thịt kho, vài con khô… để ăn dần cho cả tuần với phương châm đỡ đồng nào hay đồng ấy. Bao giờ về thăm nhà cũng trong tình trạng những “con ma” thèm thuồng, háu ăn. Nhiều cuộc vui tụi em phải thoái thác vì bị “viêm màng túi”…”.

Nhiều bạn nam chọn giải pháp ăn cơm hộp. Và địa chỉ đáng tin cậy, hợp túi tiền sinh viên và được xem là rẻ nhất Bạc Liêu này có lẽ là các quán cơm trước cổng trường Đại học Bạc Liêu cơ sở I. Các quán này bao giờ cũng đông khách bởi mỗi suất chỉ có 12 ngàn đồng. Bạn Anh Tuấn (học sinh trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu) cho rằng: “Cơm hộp là giải pháp tình thế mà nhiều HS-SV chọn lựa. Nó vừa rẻ, tiết kiệm được thời gian, công sức, vừa giúp tụi em dành dụm được một khoản chi để bù cho các khoản chi phát sinh khác”.


Sống chung với bão giá

Lương tăng, giá cả cũng tăng theo, đời sống của công chức còn chật vật huống hồ gì HS-SV. Chỉ mới là đô thị loại III nhưng xem ra sinh hoạt phí tại TP. Bạc Liêu còn đắt đỏ gấp rưỡi so với đô thị loại I như Cần Thơ và nhiều thành phố khác trong khu vực ĐBSCL. Lương tăng, đời sống của sinh viên lại càng chật vật hơn vì bão giá. Nhiều bạn trẻ đã tranh thủ thời gian rảnh để đi làm kiếm thêm thu nhập tự trang trải sinh hoạt, đỡ đần cho gia đình và cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trước khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu, nạn lạm phát chưa được kiềm chế, giá cả cứ liên tục leo thang, để có thể trụ lại trước sức “công phá” của cơn “bão” giá, các bạn trẻ tập dần cho mình thói quen thích nghi và sống chung với nó. Theo đó, tiết kiệm được xem là quốc sách hàng đầu. Vấn đề đặt ra ở đây là Nhà nước và địa phương cần có những biện pháp tích cực gì để hỗ trợ HS-SV? Chẳng hạn như quản lý chặt chẽ hơn giá cả thị trường, tránh việc các tiểu thương lợi dụng cơ hội tăng giá vô tội vạ; tuyên truyền để các chủ nhà trọ giữ bình ổn giá phòng, giá điện… hỗ trợ HS-SV vượt qua giai đoạn khó khăn này. Riêng các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp… cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp các khu ký túc xá nhằm giúp HS-SV giảm bớt chi phí ở trọ; đảm bảo nơi sinh hoạt, giải trí, học tập an toàn, đảm bảo sức khỏe trước tình trạng một số nhà trọ ọp ẹp, xuống cấp, nhồi nhét sinh viên.

Trước sự chung tay, đoàn kết, hỗ trợ từ nhiều phía của toàn xã hội, hy vọng trong thời gian tới, tình trạng “bão” giá sẽ được kiềm chế. Từ đó, các bạn HS-SV sẽ không còn phải đau đầu vì các khoản chi không tên và yên tâm học tập, rèn luyện.

Kim Chúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.