Thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm: Đảm bảo cho lao động có việc làm và thu nhập ổn định

Thứ Hai, 03/09/2012 | 18:16

Bạc Liêu vừa triển khai chương trình mục tiêu về việc làm giai đoạn 2011 - 2015. Đây là chương trình hỗ trợ phát triển đào tạo nghề và bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động thông qua các chính sách, dự án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động…

Việc làm - nhu cầu bức thiết

Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình mục tiêu về việc làm không dừng ở mức giải quyết việc làm mới bình quân cho 15.000 lao động/năm, mà còn đảm bảo cho những người đang làm việc có thu nhập ổn định. Đồng thời, giảm tối đa lao động thất nghiệp, thiếu việc làm và giải quyết việc làm cho lao động bước vào độ tuổi lao động hàng năm, nhất là lao động ở vùng nông thôn.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là rất cần thiết. Trong ảnh: Lao động được học nghề và làm việc tại DNTN Tý Liên (huyện Phước Long). Ảnh: K.T

Theo thống kê, nguồn lao động của tỉnh rất dồi dào, nhưng thường không có việc làm, hoặc có việc làm nhưng không thường xuyên, thu nhập bấp bênh và rủi ro mất việc rất cao. Bạc Liêu có hơn 576.170 người trong độ tuổi lao động, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ chiếm 18%. Đặc biệt, đội ngũ lao động trẻ này lại tập trung nhiều ở vùng nông thôn với 417.000 lao động.

Ông Nguyễn Văn Bảy (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) phản ánh: “Lao động ở nông thôn chỉ có việc làm khi vào mùa vụ, còn thường thì thất nghiệp. Mặt khác, hiện nay, từ khâu cải tạo đồng ruộng đến khâu thu hoạch phần lớn đều được cơ giới hóa nên không cần nhiều lao động. Từ đó, nhu cầu việc làm của lao động ở nông thôn rất lớn”.

Theo nhiều nông dân nếu lao động nông thôn có việc làm thường xuyên sẽ giúp công tác giảm nghèo bền vững hơn. Và nếu như nông dân không có việc làm hay thu nhập khác ngoài sản xuất nông nghiệp, thì nguy cơ nghèo và tái nghèo là rất cao. Bên cạnh đó, không có việc làm ổn định sẽ kéo theo hàng loạt những tệ nạn xã hội khác như: rượu chè, cờ bạc, trộm cắp…

Huy động mọi nguồn lực

Thực trạng trên cho thấy, nhu cầu việc làm ở Bạc Liêu là rất lớn và cần có các giải pháp để phát huy nguồn lực vốn rất dồi dào này. Đây cũng là vấn đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và tạo nền tảng vững chắc trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Để đạt mục tiêu giải quyết việc làm từ nay đến năm 2015 là 75.000 lao động, Bạc Liêu sẽ triển khai nhiều chương trình giải quyết việc làm như: giải quyết việc làm thông qua chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho 43.500 lao động (bình quân mỗi năm là 8.700 lao động); lập dự án hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm và giải quyết việc làm cho 24.000 lao động. Đồng thời, gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - xây dựng chiếm 24%, nông - ngư - lâm - diêm nghiệp 50%, và thương mại - dịch vụ chiếm 26%. Phấn đấu hạ tỷ lệ thất nghiệp thành thị đến năm 2015 còn 2,8% và nâng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động nông thôn lên 80%... Riêng năm 2012 sẽ giải quyết việc làm cho 17.250 lao động. Tổ chức đào tạo nghề thường xuyên với các bậc nghề từ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề cho 12.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 22%.

Ông Dương Văn Thới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Thực hiện chương trình mục tiêu về việc làm, Bạc Liêu sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực như: tranh thủ vốn từ Trung ương, vốn của địa phương và các thành phần kinh tế, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm… Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng đề án và ưu tiên vốn để thực hiện chương trình này”.

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.