Soạn giả Yên Lang: Người bạn thâm niên

Thứ Tư, 05/09/2012 | 19:29

Mãi đến giữa thập niên 50, Bạc Liêu mới có trường trung học dân lập (xưa gọi là tư thục). Tôi học lớp 9 (đệ tứ) trường Lý Thường Kiệt. Ngồi kế trước bàn tôi là ba bạn đồng song Thanh, Long, Mạnh. Bộ ba này rất thân thiết, học giỏi môn Văn cực kỳ; trội nhất là anh Nguyễn Ngọc Thanh.

Dưới bút danh Huyền Thanh Huyền, những bài thơ do anh sáng tác thật mượt mà, sâu lắng. Giáo viên môn Văn mỗi lần hoàn bài luận thường liệt bài của anh như mẫu mực để đọc cho cả lớp cùng nghe. Lời văn sao bay bổng chất hoài cổ, hòa quyện nét tân kỳ. Cả lớp đều trầm trồ, khâm phục. Tánh Thanh ôn hòa, hay cười, dễ gần, nhờ ngữ điệu ngọt ngào, nồng mặn, chân tình. Anh thổ lộ cùng tôi rằng, mình chịu ảnh hưởng của văn phong Lý Văn Sâm.

Tốt nghiệp trung học, tôi lên Sài Gòn học tiếp cấp III. Mấy tháng sau, bỗng gặp Thanh tại Sài Gòn. Mừng quá, hai đứa hỏi thăm nhau tíu tít. Thương anh quá! Tuổi vừa đến ngưỡng trưởng thành đã tha phương lập thân với hai bàn tay trắng, không có một người thân nơi đất khách náo nhiệt phồn hoa. Nói về dự định, anh cho biết muốn thâm nhập nghệ thuật cải lương để… viết kịch bản. Tôi biết anh mê cải lương từ hồi còn ở Bạc Liêu nên chẳng ngạc nhiên chút nào. Có chăng là trình độ âm nhạc cải lương anh tích lũy ra sao. Hoàn toàn là con số 0. Thế thì chỉ có cách viết thoại kịch. Ngặt nỗi, kịch nói lúc ấy còn èo uột, khó lập danh. Anh lại rất mê cải lương kia mà. Tôi bảo rằng cải lương đang có nạn độc chiếm sân khấu về tuồng tích; cô thân như anh, chân ướt chân ráo như anh quả là “thiên nan, vạn nan” khi muốn chen chân vào đoàn hát nào đó với tư cách soạn giả. Cách khả thi là hợp soạn với một tác giả có thanh có thế; phải chịu thiệt thòi về tác quyền để học nghề. Sau cuộc trao đổi này, anh tìm được chỗ dựa nơi một soạn giả tên tuổi. Cơ bản là anh có chỗ để đi để về, chớ cuộc sống vật chất còn eo hẹp. Đến hơn năm sau anh hợp soạn thêm với soạn giả kia vở “Bếp lửa chiều ly biệt”, bút danh Yên Lang, được đoàn mới lập Bạch Vân tập dượt; thành phần diễn viên trẻ: Hương Sắc, Hương Huyền (em trai bà bầu), Bích Sơn, Kim Thoa (mẹ Thanh Ngân) và đệ nhất danh ca miền Tây - Ngọc Ẩn…. Tuồng ăn khách gây tiếng vang trong báo giới, song hành cùng tên tác giả Yên Lang.

Một buổi xế năm 1960, Yên Lang đem đến tôi một bản thảo “Manh áo quê nghèo” mới tạm xong, bảo tôi xem và có thể giúp anh thiết kế bài bản (bởi anh biết tôi có chút ít cơ bản cổ nhạc Nam bộ, đủ lực để cài đặt nhạc bản cho một vở cải lương). Anh bắt đầu ra riêng từ vở này để độc lập làm cha sinh. Mong rằng anh được “cha tròn con vuông” nhờ sự “mát tay” của tôi.

Quả thật anh tích lũy khá về bài bản, làn điệu, nhưng đặt ca từ chưa hợp lý, chỗ nhặt chỗ thưa so với khung nhạc. Vọng cổ cũng vậy, nếu để nguyên xi mà ca e lổi xổi làn giọng, không đủ độ mượt, mùi. Tôi đã chỉnh sửa, thêm bớt các chỗ “ba xí ba tú”; và đặt thêm một hai bản lạ. Anh đã rất vui về sự giúp đỡ này kèm theo lời cảm ơn.

Nghệ danh soạn giả Yên Lang đã rõ ràng nổi lên khi vở “Manh áo quê nghèo” được khai diễn, thành công lớn. Không phải nhờ tôi đâu. Phần lớn do tài năng anh từ ý tưởng nội dung đến bố cục, nhất là những áng thơ văn xúc cảm, trữ tình. Chính vở này là bệ phóng giúp thăng hoa tên tuổi Yên Lang và đặt dấu chấm hết những cơ cực của tháng năm ban đầu làm thân viễn xứ.

Tình bạn của chúng tôi gián đoạn sau đó khi tôi thi đậu Sư phạm; còn anh tất bật viết lách và rong ruổi theo đoàn hát lưu diễn. Một dịp, đoàn Song Kiều về Bạc Liêu biểu diễn, tôi bách bộ đến rạp Chung Bá thăm anh. Đoàn hát này có hai cô diễn viên trẻ: Kiều Oanh, Kim Huệ. Họ là ái nữ của bộ đôi Năm Thành - Chín Điệp. Hai ông bà vốn là dân Bạc Liêu; bà Chín Điệp thuở trước cũng là diễn viên cải lương. Họ lập đoàn Song Kiều (hai người đẹp) để lăng xê hai cô Oanh - Kiều. Soạn giả Yên Lang bấy giờ như diều lộng gió. Anh có vai vế cao ở trung ban này trong chức năng soạn giả. Song Kiều như đoàn nhà của xứ vọng cổ, Yên Lang trở về quê như một cuộc vinh quy. Anh bận bịu bộn bề đến cả anh và tôi chẳng thể cùng nhau ly cà phê bằng hữu.

Lần gặp gỡ đó quá ngắn về thời khắc, nhưng sự cách biệt sau đó quá dài tính theo năm tháng; đã sắp tròn 50 năm. Quả đất tuy tròn, hữu duyên vẫn dễ gặp hơn cự ly ngắn Sài Gòn - Cần Thơ; vô duyên khó thể tương phùng. Nhưng suy cho cùng cả hai chúng tôi ai cũng bận bịu chuyện “cơm - áo - gạo - tiền” chớ đâu dễ quên nhau. Đầu năm 2008, tôi có dịp qua Nam California (Mỹ), chị Hai của tôi nói có gặp Yên Lang trong một lần xem hát ở quận Cam. Tôi đã rất vui khi được biết anh vẫn còn nhớ đến mình. Đi tìm mãi mới hay gia đình anh đã chuyển về San Diego.

Yên Lang ơi! Bao giờ ta gặp lại nhau khi đã bóng xế tàn niên?!

Hồ Quang

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.