Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

Thứ Ba, 15/08/2017 | 08:19

Biến đổi khí hậu (BĐKH) được xem là thách thức mà sản xuất nông nghiệp phải đương đầu trong hiện tại và tương lai. Để chủ động ứng phó và hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU về tăng cường ứng phó BĐKH và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với tăng cường đầu tư hạ tầng cho phát triển nông nghiệp.

Tổ hợp tác sản xuất lúa ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi.

Nông dân huyện Hòa Bình bơm nước vào ruộng cứu lúa do nắng hạn kéo dài. Ảnh: T.A

BĐKH gây thiệt hại nặng nề

Những năm gần đây, hậu quả do BĐKH gây ra đã không còn là kịch bản hay những dự báo. Trong đó, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động sâu sắc nhất. Chỉ cần xảy ra xâm nhập mặn hoặc khô hạn là hàng ngàn héc-ta lúa, tôm bị thiệt hại. Điều đó bắt nguồn từ điều kiện sinh thái đặc thù của Bạc Liêu, đó là vừa đảm bảo cung cấp nước ngọt cho cây lúa, nhưng cũng phải cung cấp đủ nước mặn cho con tôm sinh trưởng tốt, nhất là vùng chuyển đổi sản xuất vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm.

Đơn cử như vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A có hai tiểu vùng sản xuất là vùng giữ ngọt ổn định có diện tích 80.600ha chuyên sản xuất lúa - màu và vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ) có diện tích khoảng 75.600ha chủ yếu  nuôi trồng thủy sản và làm một vụ lúa. Đây là vùng rất dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của triều biển Tây, biển Đông. Năm 2015 - 2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm hơn 11.110 hộ nông dân ở vùng chuyên lúa và vùng chuyển đổi sản xuất bị thiệt hại hơn 36,94 tỷ đồng. Trong đó có hàng trăm hộ bị đẩy vào cảnh khó khăn, lâm vào cảnh tái nghèo.

Hậu quả của BĐKH không chỉ làm thiệt hại về tài sản, mà còn tác động xấu đến môi trường sản xuất, làm cho nông dân tốn thêm chi phí đầu tư, gia cố bờ bao, xử lý các loại hóa chất nhằm cải tạo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...

Nâng cao ý thức cộng đồng

Hiện nay, một số địa phương vẫn chưa làm tốt công tác quản lý quy hoạch, để cho một số nông dân “xé rào” đem nước mặn về nuôi tôm ở vùng chuyên lúa! Nhiều nơi, nông dân không tuân thủ lịch thời vụ, sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân gây khó khăn cho ngành Nông nghiệp trong quá trình vận hành, điều tiết nước; khó xử lý đồng loạt khi xảy ra dịch bệnh.

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc chủ động ứng phó với BĐKH là phát huy tính cộng đồng. Điều này được thể hiện ở ý thức của nông dân trong việc tuân thủ quy hoạch, lịch thời vụ và tham gia các tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất. Việc nông dân tham gia các THT được xem là một trong những giải pháp ứng phó hiệu quả khi xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi): “Trên địa bàn xã có hơn 1.900ha đất chuyên sản xuất lúa và làm 3 vụ/năm, nếu xảy ra xâm nhập mặn hoặc hạn hán thì toàn bộ lúa sẽ mất trắng. Địa hình của xã là vùng trũng nhưng lại thông với nhiều tuyến kênh lớn, nên khi xảy ra xâm nhập mặn thì rất khó ứng phó. Do vậy, để ứng phó với BĐKH, năm nay xã sẽ thành lập các THT ở 8/8 ấp”.

Thực tiễn cho thấy, việc vận động nông dân tham gia THT sẽ tạo nhiều thuận lợi trong việc ứng phó với hạn hán, xâm nhận mặn. Các THT sẽ thực hiện tốt lịch thời vụ, nông dân tập trung xuống giống, phòng trừ dịch bệnh, bơm tát, thu hoạch đồng loạt và phát huy tính cộng đồng. Và để khuyến khích nông dân tham gia THT, rất cần sự đầu tư của Nhà nước cho hệ thống ô đê bao khép kín, trạm bơm nước, điện 3 pha...

Tú Anh

Một số giải pháp ứng phó với BĐKH của ngành Nông nghiệp tỉnh

- Đối với tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sinh thái lợ)

Xây dựng lịch thời vụ thủy sản, trồng trọt phù hợp diễn biến thời tiết từng năm. Mở rộng mô hình lúa - tôm và dự kiến có khả năng đạt 50.000ha.

Ban điều tiết nước tỉnh sẽ tiếp tục cải tiến công tác điều tiết nước, phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau để vận hành hiệu quả hệ thống công trình phân ranh mặn - ngọt, thực hiện điều tiết nước linh hoạt phục vụ sản xuất. Sớm triển khai đầu tư cống âu thuyền Ninh Quới (vốn đầu tư 400 tỷ đồng) để chủ động trong công tác điều tiết nước.

Tập trung đầu tư cải tạo hệ thống kênh mương, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng các trạm bơm nước kết hợp với các ô đê bao khép kín với quy mô vừa và nhỏ (30 - 100ha), phát động lại phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng trong nông dân để từng bước xã hội hóa công tác thủy lợi.

- Đối với diện tích sản xuất lúa - tôm

Đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng cho vùng lúa - tôm theo hướng khép kín các ô lớn (7.000 - 10.000ha) ở từng khu vực để chủ động trong việc cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt (gồm các cống đầu kênh cấp 2, cấp 3 vượt cấp; trạm bơm điện; hệ thống kênh thủy lợi; hệ thống giao thông; hệ thống điện).

- Khu vực phía Bắc huyện Hồng Dân

Đầu tư xây dựng khép kín theo hướng chủ động lấy được nguồn nước mặn từ triều biển Tây (Kiên Giang) và triều biển Đông (Cà Mau) để có nước mặn nuôi tôm và sản xuất theo mô hình lúa - tôm (hiện nay, khu vực này đến đầu tháng 3 mới có nước mặn nuôi tôm).

- Đối với tiểu vùng giữ ngọt ổn định (sinh thái ngọt)

Bố trí, xây dựng lịch thời vụ linh hoạt để hạn chế thiệt hại do các diễn biến bất thường của thời tiết. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô hàng năm.

Đầu tư xây dựng 2 trục kênh dẫn nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu; nạo vét hệ thống các kênh trục, kênh cấp 2, cấp 3 vượt cấp. Phát động phong trào làm thủy lợi - thủy nông nội đồng trong mùa khô hàng năm.

Tiếp tục xây dựng các ô thủy lợi khép kín kết hợp với xây dựng các trạm bơm nước 3 pha. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng lưới điện nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Trần Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.