Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại

Thứ Hai, 25/11/2019 | 16:59

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp (giai đoạn 2016 - 2020), nền nông nghiệp của tỉnh tiếp tục gặt hái được những thành tựu quan trọng và tăng trưởng khá. Nhiều mô hình, cách làm mới ra đời và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Nông dân huyện Hồng Dân thu hoạch tôm càng xanh.

Chế biến tôm xuất khẩu tại TX. Giá Rai. Ảnh: K.T

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Sơ kết thực hiện Nghị quyết số 03 vừa qua cho thấy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng khá với 3,84%/năm. Theo đó, sản lượng thủy sản đạt hơn 341.260 tấn, sản lượng lúa hơn 1,115 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 606 triệu USD, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn khoảng 28,5 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu quan trọng đến nay đều đạt kế hoạch và khả năng đến năm 2020, nhiều chỉ tiêu sẽ vượt nghị quyết đề ra, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (chủ yếu ở các mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 03 vẫn còn một số mặt khó khăn, hạn chế và yếu kém. Nông nghiệp của tỉnh tuy đã có bước phát triển khá, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, thiếu tính bền vững. Biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến phức tạp, khó dự báo được mức độ. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm và chưa tạo được những đột phá lớn. Một số địa phương thực hiện tái cơ cấu chỉ mang tính kế hoạch, chưa khơi dậy các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Bên cạnh đó, trình độ dân trí ở nông dân, ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất còn thấp. Nhiều nông dân còn đề cao kinh nghiệm cá nhân, ít đầu tư khoa học - công nghệ sản xuất mới vào đồng ruộng. Nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực, mời gọi các doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp và còn phụ thuộc vào sản xuất, trong khi đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa thật sự mang lại hiệu quả; công tác giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn còn thiếu bền vững, dễ dẫn đến tái nghèo…

Ngoài những nguyên nhân mang tính khách quan, về chủ quan phải thừa nhận rằng một bộ phận cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và người dân nhận thức chưa đầy đủ về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, còn hiểu một cách đơn giản tái cơ cấu sản xuất là xây dựng hoặc phát triển thêm mô hình sản xuất. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu lại thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa cao.

Cùng với đó, nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn rất lớn trong khi nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có giới hạn, việc huy động các nguồn lực của nhân dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lại chưa nhiều. Sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, gió lốc…), dịch bệnh thường xuyên xảy ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch. Một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, coi nhẹ việc huy động sức dân nên thực hiện các mục tiêu còn chậm; sự phối hợp của các ngành có liên quan trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn bất cập và chưa có sự quan tâm đúng mức…

TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 và đưa sản xuất nông nghiệp đóng vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) đã ban hành Kết luận về việc đẩy mạnh thực hiện nghị quyết này. Đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 03 và tạo nên những tiền đề cho xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn.

Theo đó, phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2020 đạt 410.400 tấn (trong đó tôm 198.800 tấn, cá và thủy sản khác 211.600 tấn), năm 2025 đạt 476.900 tấn (trong đó tôm 255.000 tấn, cá và thủy sản khác 211.900 tấn). Đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống thủy sản và vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (quy mô 870ha vào năm 2025) gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước vào năm 2025.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển nuôi tôm, tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm công nghệ cao và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ dân tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Mở rộng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh; xác định mô hình nuôi siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong nông dân; phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch kết hợp với trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo khuyến nghị của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.

Hiện đại hóa công tác nghề cá, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể (tổ, đội khai thác hải sản) kết hợp với các mô hình dịch vụ trên biển; nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản; tập trung phát triển đội tàu cá có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, có khả năng đánh bắt dài ngày trên biển và các vùng biển sâu, biển xa gắn với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đưa huyện Đông Hải là huyện trọng điểm phát triển kinh tế biển. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản, phấn đấu đưa kinh tế biển trở thành thế mạnh và là trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh.

Song song đó, phấn đấu tổng sản lượng lúa đến năm 2020 đạt 1,15 triệu tấn và năm 2025 đạt 1,175 triệu tấn. Phát triển nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng. Xây dựng và phát triển thêm nhiều cánh đồng lớn, vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo xuất khẩu…

Thực hiện tốt những chỉ tiêu quan trọng này, nông nghiệp Bạc Liêu hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá mới, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.