Nâng cao nhận thức pháp luật không từ một phía

Thứ Sáu, 15/01/2021 | 16:47

Pháp luật, một khi được thẩm thấu tự nhiên, sẽ trở thành sức mạnh cộng hưởng, là tài sản quý giá để người dân vận dụng vào cuộc sống một cách tự nhiên, dễ dàng mọi lúc, mọi nơi. Nhưng để có những con người hiểu biết pháp luật, sống và làm việc theo pháp luật, cần cả một quá trình. Và một khi nhận thức pháp luật được nâng cao từ hai phía: người dân và cán bộ cơ quan nhà nước, việc quản lý xã hội cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều.

Người dân kiến nghị những vấn đề bức xúc tại các buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: K.K

Giống như trường hợp của cô T., một trong những người có thể được xem khá “nổi tiếng” ở các tòa án, bởi bản thân cô sở hữu sơ sơ cũng hơn 10 vụ kiện đòi lại đất trên địa bàn tỉnh. Nhiều trong số các vụ kiện đó, được các tòa án thụ lý khắp nơi. Xử thua kiện, hay các cơ quan chính quyền chưa kịp thụ lý, giải quyết, là cô bức xúc, lớn tiếng la lối. Thế nhưng, rất nhiều lần đến với Báo Bạc Liêu, câu đầu tiên chúng tôi thường nói với cô, khẳng định cô là người am hiểu pháp luật, nên cô phải xử sự cho đúng phép tắc. Thế là cô nói năng nhỏ nhẹ, đâu ra đó, dù việc có được giải quyết hay không thể giải quyết, cô vẫn vui vẻ cảm ơn chúng tôi ra về. Tôi hỏi vui với cô, sao cô đi nhiều nơi khác, lại không như thế. Cô T. nói, “Do họ cả. Tôi vừa bước chân đến trụ sở, họ đã điểm mặt tôi nói kiểu, cô tới đây làm gì, quậy hả? Tôi là người dân, dù có như thế nào, tôi đến trụ sở cơ quan nhà nước, thì họ trước hết phải nói năng hòa nhã với tôi. Cán bộ mà hỏi dân kiểu đó, biểu sao tôi không la làng”.

Câu chuyện của cô T. không phải là cá biệt. Không ít cán bộ nhà nước, những người làm việc ở các cơ quan pháp luật, các cơ quan thường xuyên tiếp xúc với dân, nhưng nhận thức pháp luật và các hành xử trước những vấn đề pháp lý lại hết sức cứng nhắc, quan liêu. Họ gán ghép cho những người dân thường xuyên đi khiếu nại, tố cáo là những người ăn không ngồi rồi, thậm chí là có vấn đề về tâm thần nên thường có những thái độ coi thường, nói chuyện thiếu chừng mực. Những tình huống như thế luôn đưa câu chuyện giữa người dân với nơi tiếp họ trở nên căng thẳng, càng khó giải quyết.

Đó là còn chưa nói, không ít cán bộ hay than thở kiểu, sao dân tình bây giờ thích đi kiện thưa quá. Làm gì cũng sợ họ thưa kiện. Lẽ ra đây phải là tín hiệu đáng mừng, bởi chỉ ở một xã hội tiến bộ, hiện đại, nhận thức pháp luật của người dân được nâng lên thì họ mới đủ trình độ để phân biệt cái nào đúng, cái nào sai. Đúng thì họ chấp hành, sai thì phản bác. Và cách phản bác tốt nhất mà Nhà nước, pháp luật trao cho họ chính là quyền được yêu cầu, khiếu nại, thậm chí là tố cáo nếu phát hiện việc làm vi phạm.

Đó cũng như một cán cân để cân bằng, như một công cụ để người dân giám sát chính quyền. Để những công bộc của dân phải hằng ngày, hàng giờ tự nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao đạo đức công vụ mà làm đúng pháp luật, làm tốt những việc gì có lợi cho Nhân dân và tự điều chỉnh hành vi, thái độ xử sự của bản thân theo đúng chuẩn mực.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.