Tư vấn pháp luật

Những hành vi vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19 sẽ bị xử phạt

Thứ Tư, 08/04/2020 | 16:38

Hỏi: Xin cho biết những hành vi nào theo quy định pháp luật là vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chế tài xử lý, căn cứ áp dụng?

Nguyễn Ngọc Hà (TP. Bạc Liêu)

Trả lời: Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tóm tắt một số hành vi phổ biến, mà theo quy định hiện hành là vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19, sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Không khai báo, che giấu dịch COVID-19: Bộ Y tế đã bổ sung dịch bệnh COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Điều 6, Nghị định 176 của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo, phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng khi che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu làm lây lan dịch bệnh thì sẽ bị xử lý hình sự.

- Tung tin giả về dịch bệnh COVID-19: Áp dụng theo Nghị định 174/2013 hoặc sau ngày 15/4/2020, sẽ áp dụng theo Nghị định số 15/2020 của Chính phủ. Cụ thể, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân là một trong số các hành vi bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

- Trốn khỏi nơi cách ly: Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Xử phạt hành chính đến 10 triệu đồng đối với người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mức xử lý hình sự cao nhất là 12 năm tù, theo quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Người phạm tội có thể còn bị phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng

- Chống đối người thi hành công vụ: Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng chống dịch COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật Hình sự (điểm 1.9 mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

- Không đeo khẩu trang nơi công cộng, vứt khẩu trang bừa bãi: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng (điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013). Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định bị phạt tối đa đến 7 triệu đồng (theo Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường).

- Tăng giá bán khẩu trang: Xử phạt theo quy định tại Nghị định 109/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Mức phạt có thể từ 300.000 - 10 triệu đồng do tăng giá bán khẩu trang.

- Thu gom, tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng: Bị xử phạt hành chính về hành vi thu gom chất thải trái phép. Nếu tái chế, đưa ra thị trường bán cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự về các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hoặc tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Cơ sở kinh doanh hoạt động trong thời gian bị yêu cầu tạm đóng cửa: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng cho các hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở.

Luật gia Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.