Cuộc thi Ảnh báo chí Cà Mau - Bạc Liêu năm 2018: Bức tranh toàn diện của 2 tỉnh trên con đường đổi mới, phát triển

Thứ Tư, 13/06/2018 | 16:07

Mới đây, cuộc thi Ảnh báo chí Cà Mau - Bạc Liêu lần thứ VI - năm 2018 (gọi tắt là cuộc thi) đã tìm được những tác phẩm ảnh xuất sắc nhất. Không chỉ là “món quà” mừng kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), cuộc thi còn là dịp để vinh danh thành quả lao động, những cống hiến thầm lặng của người làm báo trên hành trình đồng hành cùng sự đổi thay, phát triển của quê hương Cà Mau - Bạc Liêu.
Năm nay, cuộc thi do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đăng cai tổ chức và chấm giải theo hình thức online (trực tuyến). Nghĩa là Hội đồng giám khảo sẽ cho điểm tác phẩm rồi sau đó Ban tổ chức sẽ tổng hợp, công bố kết quả cuộc thi trên website. Quy định không cần rửa ảnh giúp các tác giả không mất chi phí, thời gian và công sức đi lại đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận. 
Song, không ít tác giả khác lại cho rằng, việc tổ chức chấm giải theo hình thức hiện đại tuy có ưu điểm nhưng vô tình làm mất đi không khí vui tươi, sức hấp dẫn vốn có của một sân chơi truyền thống. Đó là tác giả không thể trực tiếp theo dõi điểm số mà Ban giám khảo chấm cho tác phẩm của mình, nghe phân tích và đánh giá cái hay - chưa hay về bố cục, nội dung, tính khoảnh khắc, quá trình lao động của từng tác phẩm. Và đó là điều cần thiết để các tác giả học hỏi, rút kinh nghiệm trong quá trình chụp ảnh báo chí để nâng cao tay nghề và chất lượng tác phẩm cho cuộc thi lần sau.

Tác phẩm “Vào mùa” đoạt giải Nhì của tác giả Phan Thanh Cường (Bạc Liêu).
“Ngày hội” ảnh báo chí Cà Mau - Bạc Liêu năm 2018 đã nhận được 454 tác phẩm, gồm: 425 ảnh đơn, 29 phóng sự ảnh của 43 tác giả Cà Mau và Bạc Liêu. Xét trên 2 tiêu chí về số lượng ảnh và thể loại ảnh, cuộc thi lần này tăng mạnh so với năm 2017 (255 tác phẩm, trong đó có 24 phóng sự ảnh). Qua đó cho thấy, sân chơi ảnh báo chí luôn được đội ngũ người làm báo, tác giả ảnh của 2 tỉnh quan tâm và nhiệt tình tham gia. 
Một trong những điểm sáng góp phần giúp cuộc thi được đánh giá cao là chất lượng phóng sự ảnh. Không chỉ khai thác tốt nội dung những vấn đề mang tính thời sự, các tác phẩm còn có sự đầu tư về công sức và chất xám của các nhà báo, tác giả trong quá trình lao động. Chính tình yêu, trách nhiệm với nghề và sự dấn thân đã tạo động lực để người cầm máy tìm tòi, sáng tạo nên những khoảnh khắc báo chí thật ý nghĩa. Đó là phóng sự ảnh “Tấm lòng tuổi trẻ trong cơn bão Tembin” được tác giả thực hiện trong những ngày mưa bão; hay “Chênh vênh xóm đảo” là cả một quá trình mà tác giả phải vất vả xâm nhập thực tế, cảm nhận và tái hiện sống động cuộc sống nơi xóm đảo bằng ngôn ngữ ảnh báo chí; hoặc “Quê hương thay áo mới” là một tác phẩm về đề tài nông thôn mới có cách khai thác, xâu chuỗi nội dung khá hay và mới…
Nhìn chung, các tác phẩm đã phản ánh khá rõ nét thành tựu của Cà Mau - Bạc Liêu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng; phong trào xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo; những điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Hệ thống lại toàn bộ tác phẩm dự thi là một bức tranh toàn diện về quá trình vận động, khát vọng vươn mình của đất và người Cà Mau - Bạc Liêu trên con đường đổi mới, phát triển.
Trải qua nhiều vòng chấm, Ban giám khảo đã chọn 67 tác phẩm để triển lãm nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm 2018. Trong đó, 9 tác phẩm xuất sắc được trao giải (Bạc Liêu có 4 tác phẩm), gồm: giải Nhất thuộc về tác giả Huỳnh Lâm (Cà Mau) với tác phẩm “Cà Mau an toàn tuyệt đối phòng, chống cháy rừng mùa khô 2018”; giải Nhì là 2 tác phẩm: “Vào mùa” của Phan Thanh Cường (Bạc Liêu), “Tái tạo nguồn lợi thủy sản” của Trần Quốc Bình (Cà Mau). 
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.