Đặc sắc lễ Kỳ yên cầu phúc lộc

Thứ Sáu, 22/02/2019 | 16:48

Có thể nói, một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của người dân Bạc Liêu trong tháng Giêng chính là lễ Kỳ yên. Ý nghĩa chính của Kỳ yên là cầu cho một năm được mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an và cũng là thời gian để mọi người cùng vui xuân sau những ngày lao động vất vả.

Người dân vui lễ Kỳ yên ở miếu Tam sơn quốc vương (phường 5, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.D

Việc tổ chức Kỳ yên bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp. Do sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế mang tính quyết định nên việc cầu cho mưa thuận gió hòa có một ý nghĩa đặc biệt đối với người dân. Ngày nay, với sự phát triển mạnh của thương mại - dịch vụ, nên lễ Kỳ yên không dừng ở việc cầu cho một năm được “mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an”, mà còn là mua may bán đắt, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an…

Với những ý nghĩa quan trọng đó, từ ngày mùng 2 tết, nhiều đình, miếu trong tỉnh đã long trọng tổ chức khai lễ Kỳ yên cầu phúc lộc. Lễ Kỳ yên được lần lượt tổ chức ở các đình, miếu cho đến hết tháng Giêng, như miếu Bà Địa Mẫu, chùa Ông Tề, đình An Trạch (phường 5, TP. Bạc Liêu), miếu Vạn ban ngũ hành (phường 2, TP. Bạc Liêu)…

Đặc biệt, trong lễ Kỳ yên có tổ chức hát tuồng cổ, với những vở tuồng mang nội dung đề cao tiết nghĩa, hiếu hạnh, trung quân, ái quốc như: “San hậu”, “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê”… thu hút hàng trăm người dân đến xem. Và trong khoảng thời gian này, trên các con đường chính từ thành phố đến thôn quê thường hay xuất hiện hình ảnh những ông tiên, ông Phúc - Lộc - Thọ, Tứ thiên vương, binh lính… đi cùng đoàn với cờ ngũ sắc phất phới, tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng chiêng… để rước các chư Thần từ các chùa miếu khác về nơi tổ chức lễ Kỳ yên xem hát.

Và việc tổ chức hát cúng lễ Kỳ yên cũng khá công phu với nhiều lễ tế gắn với những phong tục, khát vọng hạnh phúc và an khang như lễ xây chầu; tứ thiên vương; tam tinh chúc thọ; nhật - nguyệt; gia quan tấn tước… Ở mỗi lễ này đều gắn với những điển tích dân gian và được người dân gửi gắm khát vọng vào đó. Như lễ nhật - nguyệt là những điệu múa giao giao giữa mặt trăng và mặt trời do một nam và một nữ cùng diễn, thể hiện sự “giao hợp” giữa âm và dương vốn là nguồn gốc của sự phát triển. Hay lễ tam tài là hình ảnh của ba ông Phúc - Lộc - Thọ chúc phúc đầu năm. Hay lễ tứ thiên vương là hình ảnh bốn vị tướng với cờ ngũ sắc lộng lẫy đeo sau lưng tượng trưng cho mưa, gió, sấm, sét cùng dâng liễn với các câu như: Phong điền vũ thuận, quốc thới dân yên, thiên hạ thái bình…

Một điều đáng ghi nhận khác là lễ Kỳ yên cũng là dịp để nam thanh, nữ tú hẹn hò giao duyên, vui chơi sau một năm lao động vất vả, còn mấy ông bà lão cũng có dịp thức trắng cả đêm để cùng cười, cùng khóc với những cô đào với câu ca ngọt lịm. Ăn theo lễ Kỳ yên là sự tham gia của các hàng quán, dịch vụ, các trò chơi dân gian…, góp phần tạo nên không khí vui nhộn trong mấy ngày xuân. Những địa phương có lễ hội diễn ra thì gần như cả xóm cùng thức để vui hội, người thì bán bún nước lèo, hủ tiếu, người chiên bánh cống, bánh xèo, nấu nước sâm, ép nước mía và nhiều món ngon khác để cùng thức cho vui.

Đối với những chùa, miếu tổ chức lễ Kỳ yên nhưng không tổ chức hát tuồng trên những sân khấu thì cũng tổ chức tấu nhạc, hát dân ca… tạo nên một không khí vui xuân thật nhộn nhịp, rộn ràng.

Với những ý nghĩa và giá trị văn hóa đặc sắc mang lại từ lễ Kỳ yên, việc vận động các nơi thờ tự tổ chức lễ theo đúng bài bản, đúng truyền thống không chỉ góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa tốt đẹp, mà còn xây dựng nên những sản phẩm du lịch lễ hội đặc sắc cho địa phương.

Lư Dũng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.