Dấu tích sự kiện Tết Mậu Thân 1968

Thứ Tư, 24/01/2018 | 16:22

Sự kiện tổng tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định Tết Mậu Thân 1968 tại tỉnh Bạc Liêu 50 năm trước còn dấu tích đến hôm nay và mai sau.
Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) đã trở thành điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL. Nơi đây có nhiều công trình như: biểu tượng 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa; tượng đài sự kiện Mậu Thân năm 1968…
Trên biểu tượng 3 dân tộc anh em có khắc các nhóm số, thể hiện những con số liên quan đến các mốc lịch sử, sự kiện quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, trong đó có nhóm số: “31/1/1968”. Ngày 31/1/1968, tức mùng Hai Tết Mậu Thân diễn ra trận quyết chiến bi hùng của 41 chiến sĩ biệt động TX. Bạc Liêu và du kích xã Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) tại rạp hát Chung Bá (bây giờ là rạp hát Cao Văn Lầu, phường 3, TP. Bạc Liêu), 39 chiến sĩ hy sinh.
Để khắc ghi sự kiện và thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng Tượng đài sự kiện Mậu Thân 1968 nhân kỷ niệm 45 năm diễn ra sự kiện này (năm 2013). Tại lễ khởi công, đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) nhấn mạnh, công trình có ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng với Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu, khi tượng đài hoàn thành, tỉnh sẽ có thêm một công trình văn hóa đẹp và mang ý nghĩa chính trị sâu sắc cho Quảng trường Hùng Vương, góp phần thu hút khách tham quan du lịch.

Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân 1968 tại rạp hát Cao Văn Lầu (phường 3, TP. Bạc Liêu). Ảnh: N.Q
Đêm mùng Một, rạng sáng mùng Hai Tết Mậu Thân cách đây 50 năm, 41 chiến sĩ biệt động và du kích tiến quân đánh chiếm Tòa hành chính và Bộ chỉ huy Sư đoàn 21 ngụy. Sau khi bị quân ta tiêu diệt 3 cụm tuyến và 20 tên, chiếm lĩnh 3 khu vực, địch tập trung nhiều loại hỏa lực, kể cả dùng máy bay rải bom xăng thiêu trụi toàn bộ nhà cửa trong khu vực quân ta chốt giữ, nhằm tiêu diệt lực lượng ta.
Do bị cô lập, các chiến sĩ đã chọn rạp hát Chung Bá làm địa điểm tử thủ của mình. Gần một ngày chiến đấu, do không tương quan lực lượng, 39 chiến sĩ đã hy sinh sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bẻ gãy súng và nhảy lầu tuẫn tiết, quyết không để sa vào tay giặc. Hai đồng chí Trần Văn Tửng và Châu Tuấn Kiệt “mở đường máu” rút khỏi vòng vây của địch. Tại đây, tỉnh đã xây dựng bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân 1968. Bia được khởi công xây vào tháng 7/2012 và khánh thành vào sáng 7/2/2013. Trên bia có hình ảnh một cành mai, tượng trưng cho Tết Mậu Thân, hình ảnh khẩu súng tượng trưng người chiến sĩ chiến đấu ngoan cường trước kẻ thù. Hai bên bia tưởng niệm có khắc ghi vắn tắt diễn biến sự kiện Tết Mậu Thân tại TX. Bạc Liêu và danh sách các chiến sĩ tham gia trận đánh.
Ngoài ra, trên địa bàn TP. Bạc Liêu hôm nay, còn lưu dấu nhiều địa điểm khác liên quan đến sự kiện này. Đó là Khám lớn, nơi lực lượng ta tiến công vào, cứu các tù nhân chính trị. Khám lớn Bạc Liêu do người Pháp xây và được Mỹ sử dụng lại nhằm đàn áp phong trào đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Tỉnh đã xây bia Khám lớn đặt trên đường 30/4 (cặp Trường THCS Võ Thị Sáu) để mãi ghi nhớ những tháng năm tù đày sau song sắt không những không làm tắt ngọn lửa yêu nước của đồng bào, đồng chí mà còn thổi bùng lên ý chí đấu tranh kiên cường. Đó là lò gạch Võ Tánh (miếu Ông Lò ngày nay, ngay ngã tư Trần Phú - Hòa Bình, phường 7), một điểm trên đường tiến quân và được ta chiếm lĩnh khi đánh vào TX. Bạc Liêu…
Những địa điểm nêu trên là một phần của lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song trang sử bi hùng Tết Mậu Thân 1968 vẫn hiển hiện sinh động qua từng dấu tích đó như nhắc nhở cháu con mãi không quên quá khứ, luôn trân trọng, biết ơn những gì tiền nhân đã làm cho quê hương, dân tộc.
N.Q

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.