Hăm ba - ông Táo về trời

Thứ Tư, 07/02/2018 | 17:31

Thấy tờ lịch đề ngày 23 tháng Chạp là thấy tết đã về. Trước đó một ngày (tức 22 tháng Chạp), nhiều gia đình đã rục rịch chuẩn bị các thứ cho thật tươm tất để sớm mai cúng đưa ông Táo về trời. 

Tục lệ đưa ông Táo về trời đã có từ bao đời nay. Cứ đến 23 tháng Chạp là ai nấy cũng đều sắm sanh các thứ để cúng kiến. Từ lúc còn nhỏ cho đến khi trưởng thành, tôi vẫn thường cùng mẹ ở miết dưới bếp dọn dẹp, lau chùi để bàn thờ ông Táo thật sạch sẽ, sau đó bày biện các thứ theo phong tục và thắp nhang thỉnh cầu nhiều điều tốt lành cho gia đình. 
Tôi được biết qua sách vở, rằng cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian tiếp tục công việc “cai quản” bếp lửa của gia chủ. Nhiều người Việt tin rằng, vị Táo quân quanh năm ở trong bếp nhưng lại có thể “thấy” hết mọi chuyện dù là nhỏ nhặt của mọi người. Cho nên, đến ngày đưa ông Táo về trời, gia chủ (mà đặc biệt là người-giữ-lửa trong nhà) đều cố gắng cúng kiến thật trang trọng để bày tỏ lòng thành kính. Mâm cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp, gia đình tôi thường sắm sanh: trà, bánh, rượu, thịt… cho đủ lễ. Chẳng cầu gì lớn lao, chỉ cần sự bình yên trong tổ ấm, giữ cho được ngọn lửa yêu thương để con cái đủ cha đủ mẹ, chuyện làm ăn suôn sẻ, ông bà, cha mẹ nhiều sức khỏe. Vậy là đủ!

Cúng đưa ông Táo về trời. Ảnh minh họa: B.T
Mâm lễ cúng Táo quân ở mỗi miền mỗi khác, thậm chí mỗi nhà cũng khác nhau. Thường mâm cúng, người ta mua hai mũ Táo ông có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo bà (không có cánh chuồn); ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy), mà phổ biến nhất là dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “vua bếp” lên chầu Ngọc đế. Thực phẩm cúng thì thường là con gà luộc, bánh bông lan hay bánh bò (mục đích để năm sau làm ăn phát tài phát lộc, “nổi” như bánh bò), trà, rượu, hoa tươi… Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cuộc sống của mỗi gia đình dưới hạ giới. Theo tục lệ nhiều nơi, lễ cúng thường diễn ra trước 12 giờ trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ. Nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống. Nhưng ở miền Tây, phong tục này ít thấy, chỉ có hóa vàng bộ giấy “cò bay ngựa chạy” và 3 bộ đồ mới để gia đình táo về trời, vậy là xem như đủ lễ. Khi cúng đủ lễ, đợi tàn nén nhang thì mọi người lấy hết chân nhang, chừa lại 3 cây để cắm ngay ngắn giữa bát nhang. Sau khi đưa ông Táo, mọi người không thắp nhang hàng đêm trên bàn thờ nữa. Cho đến ngày cuối cùng của năm thì rước ông Táo về lại nhà mình và mới lại thắp nhang. 
Người ta thường nói “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chỉ cần một mâm cúng đủ lễ, vài nén nhang chở điều khấn nguyện, người ta đã có thể phần nào an tâm vì đã gửi được điều mình muốn đến đấng linh thiêng. Một năm buồn vui đã khép lại, nhà nhà đều cầu mong một năm mới thật nhiều hạnh phúc, ấm êm trong ngoài. Tạm gác lại bao lo âu của năm cũ, dù thế nào ai nấy cũng đều sắm sửa một mâm cúng ông Táo thật tươm tất để tổ ấm của mình đón nhiều niềm vui, may mắn trong năm mới!
Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.