Hấp dẫn đặc sản khô Bạc Liêu

Thứ Sáu, 27/12/2019 | 16:17

Nếu như ở An Giang có món khô nhái hay còn được thực khách xa gần biết đến với cái tên rất mỹ miều “vũ nữ chân dài”, Cà Mau có món khô cá sặc bổi ngon đúng điệu, thì ở xứ Bạc Liêu cũng có món khô trâu, khô cá dứa một nắng hay món bánh phồng tôm cũng không kém phần hấp dẫn và dễ dàng làm xiêu lòng ngay cả những thực khách sành ăn khó tính nhất.

Phơi khô trâu ở cơ sở sản xuất khô trâu Bé Lâm (huyện Hồng Dân). Ảnh: C.L

Bạc Liêu, vùng đất trù phú cá tôm, từ xa xưa người dân nơi đây đã biết chế biến nhiều loại thực phẩm khác nhau để có thể tích lũy ăn dần. Trong đó, có món khô trâu. Theo Đông y, thịt trâu có tính mát, hiền, ăn thường xuyên có thể trị được bệnh tê thấp. Để có được miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, người làm phải chọn cho được thịt đùi, đùi sau càng tốt rồi thái (lóc) bỏ hết gân trước khi đem xắt thành lát nguyên vẹn, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm sả bằm, muối, tỏi, ớt… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị sả và mùi thịt trâu đặc trưng. Nắng càng tốt thịt càng ngon, bình quân cứ 3kg thịt tươi có thể làm được 1kg thịt khô trâu, do đó giá khô phải cao gấp ba lần giá thịt. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, chủ cơ sở khô trâu Bé Lâm (huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) chia sẻ: “Để cho ra một miếng khô trâu ngon ngoài việc phải chọn mua đúng thịt thì còn phụ thuộc vào tay nghề tẩm ướp gia vị của người thợ chính. Rồi phải phơi đều cả hai mặt, bảo quản đúng cách…, tất cả những công đoạn phải được thực hiện tốt thì mới có được miếng khô ngon, giữ được thương hiệu khô trâu Bạc Liêu trong lòng thực khách”.

Thưởng thức khô trâu cũng có nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Miếng khô trâu được thả vào nước (nhưng không dùng nước mưa vì theo kinh nghiệm dân gian thịt trâu kỵ nước mưa), đợi thịt nở từ 5 - 10 phút vớt ra cho ráo nước rồi đem để lên bếp than nướng cho đến khi nghe tiếng nổ lách tách, mùi thơm bốc lên nức mũi, lúc đó khô đã chín đều. Miếng khô chín đều ở cả hai mặt và có mùi thơm lừng được dần cho mềm và tơi ra. Món này ngon nhất là xé nhỏ ra, chấm với nước mắm me, hoặc có thể chấm với nước cơm mẻ chua cay cũng tạo nên một dư vị lưu luyến, khó quên.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, bánh phồng tôm là một trong những món ăn tráng miệng thuần Việt xuất hiện sớm nhất. Nó gắn liền với những buổi tiệc quan trọng, gắn liền với tuổi thơ của nhiều đứa trẻ. Ở TX. Giá Rai có một cơ sở chuyên sản xuất bánh phồng tôm với nhiều “cải tiến” khác biệt so với những nơi khác, đó là thương hiệu bánh phồng tôm Ý Tám. Tôm được chọn làm bánh phồng phải là tôm thiên nhiên và chỉ có hai loại được chọn đó là tôm thẻ và tôm đất. Tỷ lệ tôm trong bánh khá cao nên bánh luôn đậm vị tôm, bánh dày, khi chiên lên có màu đỏ đậm của tôm rất bắt mắt và giòn tan khi đưa vào miệng. Bánh phồng tôm từ lâu được xem là một đặc sản từ tôm không thể thiếu trong những ngày tết để thết đãi bạn bè, người thân hay trong nhưng tiệc trà hoặc nhâm nhi. Dễ ăn và dễ nghiện, chiếc bánh phồng tôm vàng rộm, giòn tan ngày tết sẽ giúp ta thưởng thức trọn vị tết quê nhà.

Khánh Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.