Ký ức một thời

Làm báo thời kháng chiến

Thứ Sáu, 19/06/2020 | 18:06

Cuối năm 1967, lệnh của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sóc Trăng - Bạc Liêu triệu tập tất cả phóng viên của Báo Chiến Đấu và Tập san Văn nghệ Bông Lúa (Hai tờ báo đại diện tiếng nói của Tỉnh ủy và Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu) từ các địa bàn trong tỉnh về để nhận nhiệm vụ mới.

Sắp chữ làm khuôn in thời kháng chiến. Ảnh: T.L

Lúc bấy giờ, tổ chức của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sóc Trăng - Bạc Liêu ngoài tiểu ban Huấn học, Tuyên truyền, Giáo dục, Trường Đảng thì còn có các bộ phận viết lách, nhiếp ảnh, hội họa… Đội ngũ tương đối hùng hậu được gom lại một mối và có tên là “Tiểu ban Thông tấn - Báo chí - Văn nghệ” do đồng chí Phạm Quang (Ba Thảo) làm Trưởng Tiểu ban kiêm Tổng Biên tập Báo Chiến Đấu và Tập san Văn nghệ Bông Lúa. Lâu lắm rồi lo mải miết bám chiến trường để tác nghiệp (thậm chí còn kiêm thêm nhiệm vụ bám dân, cùng ăn - cùng ở - cùng làm - cùng xây dựng các phong trào cách mạng), chúng tôi mới có dịp gặp nhau đầy đủ thế này. Theo sát Tiểu đoàn Phú Lợi 1 có nhiếp ảnh gia Việt Lâm. Địa bàn huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu có phóng viên Tám Thái và nhà báo Mười Miêng. Huyện Châu Thành và TX. Sóc Trăng thì có nhà báo Trần Thanh Long. Huyện Thạnh Trị có nhà văn Tư Quang. Nhiếp ảnh gia Tám Đoàn và tôi (họa sĩ Hoàng Đức) thì bám địa bàn huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi và TX. Bạc Liêu.

Các đồng chí biên tập làm nhiệm vụ sửa bài phóng viên, cộng tác viên rồi còn kiêm vẽ minh họa, làm thơ, kể cả viết bài theo yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy trong từng thời điểm của cách mạng. Nhớ nhất là anh Phạm Vũ, một họa sĩ tài năng kiêm nhà văn, nhà thơ trẻ, hy sinh mùa thu năm 1969, trong lúc vừa được đứng vào hàng ngũ vinh quang của Đảng. Đã mấy chục năm rồi mà tôi còn nhớ bài thơ như “có lửa” của anh: “Tổ quốc ơi có phải/ Người sinh tôi ra bằng phẫn nộ thương đau/ Bằng trang sử tiềm tàng hay lòng tin rực cháy/ Mà trong tôi có dòng máu tự hào”.

Với đội ngũ chưa đầy 20 người, chúng tôi vừa đi chiến trường vừa để người ở nhà trực để nhận tin, sửa bài, rồi phụ trách các mục tùy bút, tranh đả kích, minh họa khắc gỗ một lượt cho 3 tờ báo là Chiến Đấu, Cờ Giải Phóng và Tập san Văn nghệ Bông Lúa. Đến năm 1969, tình hình cách mạng miền Nam diễn biến bất lợi cho ta. Cơ quan báo chí Sóc Trăng - Bạc Liêu phải lui về vùng U Minh Thượng giáp tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang) đóng quân ở tuyến kênh xáng Nhà Lầu - Chủ Chọt, sau đó dời về ấp Cây Cui (xã Ninh Thạnh Lợi). Có lúc ở ấp Dì Quán (xã Ninh Quới) ta và giặc ở cách nhau chỉ có con sông 300m.

Trong những năm này, làm báo thật vất vả, từ cuộc sống, cái ăn, cái mặc, đến chuyên môn đều rất gian nan. Muốn làm tờ báo 4 trang khổ 28cm x 40cm như báo Bạc Liêu, Tuổi Trẻ bây giờ, nhất là báo xuân muốn in đẹp 4 màu, thì họa sĩ phải vẽ một bản màu gốc rồi scan ra tách màu trên những tờ giấy pơ-lia ghép lại cho đủ khổ thành 4 bản trên mặt gỗ thao lao đánh bóng mài nhẵn. Những nét muốn in thì để nổi lên, những nét không xài thì khắc xong đục bỏ. Muốn có tranh minh họa, chữ tựa đẹp, hoặc tranh đả kích thì đều làm thủ công, cũng vẽ, cũng khắc phồng cả tay.

Toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ có một bản kẽm ảnh Bác Hồ do Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ tặng, cứ lấy ra sử dụng mãi (trong những dịp làm báo xuân, hoặc ngày sinh nhật Bác 19/5…). Sử dụng xong, đích thân đồng chí Tư Thép phụ trách nhà in lấy ra lau chùi rồi cất kỹ như báu vật. Có lúc khó khăn không mua được gỗ thao lao sớ mịn để khắc, chúng tôi phải chuyển qua dùng gỗ dầu, gỗ tràm hoặc gỗ đước sớ rất cứng. Có lúc các nhà điêu khắc kiêm họa sĩ như Phạm Vũ, Hoàng Sơn, Lê Quý, Minh Đức, Hoàng Đức khắc phồng cả tay không cầm đũa ăn cơm được, phải dùng muỗng để thay thế. Viết, in báo vất vả là thế, muốn qua đồn giặc để đưa bài về và phát hành báo đi còn khó khăn hơn. Đồng chí Hai Họa phải nghĩ ra cách đóng chiếc tam bản hai đáy giấu những tài liệu, tờ báo để đưa đến với đồng bào, chiến sĩ trong những năm bình định ác liệt ấy.

Tháng 4/1969, nhà báo Lê Thanh hy sinh, tôi thì bị thương trong một trận phản kích của địch. Từ chiến trường Mỹ Xuyên, Mười Miêng về báo tin Tám Thái hy sinh ở Hòa Tú, rồi Phạm Vũ, Chung Đồng hy sinh ở chiến trường Hồng Dân. Nhiều nhà báo khác bị bệnh ngặt nghèo hoành hành. Thường trực tòa soạn báo chỉ còn nhà báo Ba Chiến cũng bị chảy máu lỗ tai do pháo địch. Tình hình khó khăn là vậy nhưng tập thể anh em trong cơ quan báo chí của tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu vẫn lạc quan, yêu đời, vẫn một lòng tin ở chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa. Trong bài thơ đăng trên báo xuân 1970, tôi còn nhớ anh Hoàng Sơn có những câu: “Hát đi em mùa xuân bảy mươi/ Xuân của chúng ta mùa xuân chiến thắng/ Đạp gót thời gian tấn công nổi dậy/ Từ Tây nguyên, thành phố đến ruộng đồng/ Cả quê mình theo lệnh Bác xung phong”.

Vâng, trong những năm gian khổ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cánh báo chí chúng tôi đã hy sinh, đã tiến công và đã làm như thế. Tôi viết hồi ký này như một nén hương để tưởng nhớ đến biết bao đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh để đóng góp cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc.

Hoàng Đức

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.